CUỘC SINH HOẠT TÂM LÝ NÓI CHUNG - ĐỐI TƯỢNG TÂM LÝ HỌC
Cảm giác, tri giác, ý tưởng, khái niệm, phán đoán, suy luận, yêu, ghét, khoái lạc, hy vọng, thất vọng,... là những sự kiện tâm linh. Nếu đem so sánh chung với những sự kiện ngoại giới và vật chất, ta thấy chúng có nhiều đặc tính khác hẳn. Sau đây, một số đặc tính ấy.
I. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA SỰ KIỆN TÂM LINH
1. Tính bất khả giác.
Đặc tính đầu tiên của ngoại giới là khả giác, nghĩa là giác quan (thị giác, thính giác, v.v.) có thể nhận thức được. Do đó, ngoại giới là thế giới hữu hình, hữu sắc, hữu thanh, v.v... Ngược lại, nội giới hay tâm giới có tính bất khả giác.
a. Không dùng giác quan mà biết được
Tâm giới là thế giời vô hình vo tượng, vô sắc, vô thanh, v.v... ta phải dùng ý thức mới nhận ra nó được. Chỉ tôi mới trực tiếp biết tôi thấy gì, nghĩ gì. Trong đời sống hằng ngày giữa bạn hữu, ta thường nghe họ nói hiểu nhau, biết tâm tình nhau, tri âm, tri kỷ, chia sẻ vui buồn với nhau. Nhưng đó chỉ là những kiến thức gián tiếp. Tôi không thể biết được sự đau khổ của bạn nếu không qua những nguyên nhân hay hiệu quả của sự đau khổ đó. Tôi thấy cái chết người cha của bạn, tôi thấy bạn khóc, nên tôi biết bạn buồn qua cái chết và nước mắt. Đó là biết gián tiếp. Biết gián tiếp như, tôi rất có thể bị lầm. Người ta đã chẳng nói tới những “nước mắt cá sấu” là gì.
b. Không thể trực tiếp định chỗ được.
Một cảm giác chẳng hạn, có nghĩa là toàn thể con người tôi cảm thấy lạnh, mặc dầu tôi chưa có thể dịnh được chỗ nào đã làm tôi cảm thấy lạnh, như nơi tay cầm cục đá. Người ta thường nói ta tư tưởng trong óc hoặc ý tưởng trong đầu. Tôi tư tưởng, toàn thân tôi có ý tưởng còn bộ óc là điều kiện cần thiết cho con người tư tưởng như hiện giờ. Nó không có nghĩa là tư tưởng nào đó được định chỗ trong óc, cũng không có nghĩa là óc tư tưởng; và sau cùng, không có nghĩa là trong một hoàn cảnh nào khác, con người không thể tư tưởng được một khi xác không còn. Hồn con người sau khi chết, có thể còn tư tưởng được.
c. Không thể trực tiếp đo lường được.
Những kiểu nói: vui mừng lớn lao, trí khôn sâu rộng, tấm lòng quảng đại, v.v... là những kiểu nói loại suy. Thực ra, người ta chỉ đo lường được những vật hữu chất có trường độ, có trọng lực. Các dụng cụ phòng thí nghiệm có thể đo lường được những hiệu quả bên ngoài của sự kiện tâm linh vì chúng được phát sinh nơi xác. Phương pháp trắc nghiệm tâm linh (Psychométrie) có thể cho ta biết một khoái lạc giảm bắp thịt bao nhiêu chứ không thể đo chính sự khoái lạc đó được.
2. Tính hữu ngã.
Vì xuất hiện trong nội giới, những sự kiện tâm linh có tính hữu ngã nghĩa là luôn quan hệ với một bản ngã.
a. Sự kiện tâm linh do một bản ngã.
Tia sáng mặt trời do chính mặt trời phát xuất ra. Sự kiện tâm linh cũng thế. Chúng do một nguyên nhân nội tại, tức là do một bản ngã. Nói đau khổ phải luôn hiểu ngầm ai đau khổ, và cứ như thế đối với bất cứ sự kiện tâm linh nào: ai cảm giác, ai tri giác, ai nhớ, ai phán đoá, ai suy luận, ai tưởng tượng, ai hy vọng, ai thất vọng, ai khoa...
b. Sự kiện tâm linh thuộc về một bản ngã.
Do một bản ngã phát xuất, sự kiện tâm linh còn thuộc về một bản ngã ấy như thuộc về chủ. Sự kiện vật lý, tự nó, không có chủ. Nó không tức khắc, thuộc về một ai. Nó có thể có sẵn đấy trước khi có chủ. Nếu nó có chủ đi nữa thời sở hữu chủ đó chỉ có tính pháp lý, hời hợ bên ngoài mà không dính líu gì tới bản thể của sự vật. Đàng khác, sở hữu chủ đó có thể mất đi được hay có thể thay thế. Cái nhà chẳng hạn, có thể mất chủ hay thay thế chủ bằng mua bán hay bằng tặng giữ. Sự kiện tâm linh, trái lại luôn có chủ, nghĩa là luôn thuộc về một bản ngã hay một chủ thể phát xuốt ra nó.
c. Sự kiện tâm linh luôn quy trách nhiệm về một bản ngã.
Nghĩa là trong phạm vi đạo đức luôn có một bản ngã chịu trách nhiệm về chúng: ai tư tưởng là có trách nhiệm về tư tưởng ấy. Nếu là tư tưởng tốt họ sẽ được thưởng và nếu là tư tưởng xấu họ sẽ bị phạt. Dĩ nhiên, có những trường hợp như những trường hợp tâm bệnh hay vô tri, trách nhiệm nói trên có thể giãm thiểu hay không có chút nào.
3. Tính liên tục hay tồn tục.
Sự kiện vật lý có thể có sự liên tục. vì là vật chất nên nó có thể bị phân chia ra từng mảnh, từng quãng làm cho nó bị gián đoạn mất tính cách liên tục. Sự kiện tâm linh thời trái lại.
a. Phải hiểu tính liên tục như thế nào ?
Tính liên tục hay tính tồn tục nơi tâm giới, có nghĩa là cuộc sinh hoạt tâm lý một khi đã bắt đầu rồi không bao giờ ngừng lại nữa. Ở thế giới bên này, có thể dùng ý thức tâm lý để công nhận điều đó. Tôi tự ý thức tôi luôn luôn là tôi: lúc nhỏ, lúc lớn, lúc già, bất cứ ở đâu, bất cứ tâm trạng nào. Còn ở thế giới bên kia, vấn đề tính tồn tục không thể giải quyết được bằng kinh nghiệm, mà phải giải quyết một phần nào bằng suy luận hay bằng một giáo điều. Đây là vấn đề nhiêu khê về hồn bất tử nơi con người mà người bình dân vẫn tin tưởng: “thác là thể phách còn là tinh anh” (tức tâm hồn) (Nguyễn Du).
b. Dòng ý thức.
Dòng tâm linh không bao giời bị gián đoạn. Cả lúc bệnh, cả lúc ngủ, tâm hồn không phải hoàn toàn vô tri, không tuyệt đối trơ trơ như khúc gỗ. Các hình ảnh, các động lực,v.v... vẫn tiếp tục xuất hiện. Chiêm bao là hình thức rõ rệt của tâm hồn trong lúc ngủ. Đàng khác, dẫu là quên hay nhớ những trạng thái tâm hồn lúc ngủ, lúc thức ta vẫn bắt lại ngay cầu nối liền với những hiện tượng trước. Đới sống buổi sáng lại được tiếp tục với những hoài niệm và dự định của ngày hôm trước. W.James viết: “Sấm nổ bất ưng có phải phân đôi ý thức của ta không ? Quả không, vì chính trong cảm giác tiếng sấm đã có cảm giác im lặng trước kia lẻn vào để tiếp tục. Trong tiếng sấm cái mà ta nghe thấy, không phải chỉ là tiếng sấm thuần túy, nó còn là tiếng náo động sự im lặng, nhưng nói theo chủ quan, ý thức về tiếng sấm bao hàm cả ý thức về im lặng lẫn ý thức về sự mất im lặng” (Principes of Psychology). H.Bergson còn tả một cách cụ thể hơn:"dòng ý thức là một câu duy nhất có nhiều dấu phết nhưng không có một chấm ngắt nào cả” (L'énergie spirituelle).
c. Dòng thời gian tâm lý.
Cần phải phân biệt hai thứ thời gian, thời gian vật lý và thời gian tâm lý. Thời gian vật lý có những phần, một khi qua đi, là thành hư vô. Còn thời gian tâm lý tiếp tục cái không còn ở trong cái còn. Thời gian thứ nhất mới đúng là thời gian theo nghĩa thông thường, còn thời gian sau chỉ là một tồn tục không phải là thời gian theo nghĩa hẹp. Cái dị biệt ở giữa hai thứ thời gian đó, được nổi bật do những phân tích mà các nhà tâm lý học đem ra như sau:
Trước hết, hai từ hiện tại tùy ở mỗi thứ thời gian mà khác nghĩa. Hiện tại trong thời gian vật lý chỉ là một lúc, một đường chỉ phân giới hạn giữa cái quá khứ không còn nữa và cái tương lai chưa tới. Hiện tại chỉ tồn tục có một klúc hay nói đúng hơn là không tồn tại tí nào cả vì nó qua đi ngay. Trái lại, hiện tại của thời gian tâm lý là một sự tiếp tục: tiếp tục cái đã qua, và vươn mình tới cái sẽ có. Vừa là nhận thức quá khứ, vừa là quyết định cho tương lai sắp tới.
Quá khứ là thời gian vật lý, không còn nữa. Chỉ còn những hiệu quả của những biến cố xảy ra trong thời gian quá khứ đó. Đêm khói lửa 19-12-1946 không còn nữa, (chỉ còn những hiệu quả) dầu còn lại những dấu vết vật chất của cuộc tàn sát ghe tởm. Trái lại, quá khứ tâm lý vẫn còn. Nó còn trong ký ức của những người đã chứng kiến sự việc đã xảy ra, đồng thời nó còn ở trong tưởng tượng, nhờ đó, nó bị thêm hay bị bớt đi. Người ta có thể sống lại những giây phút hồi hộp thoát chết trong sự nguy hiểm, cũng như có thể cải lão hoàn đồng trong nhiều giây phút thú vị. Một cách vô ý thức, ta bị ảnh hưởng của quá khứ, quá khứ của riêng ta, của dân tộc và quá khứ của thời đại hay khu vực ta sống. Nhờ ở sự tồn tục của quá lý, mà ta có thể thưởng thức được những tác phẩm tuyệt vời của nghệ thuật trong lãnh vực hội họa, điêu khắc, âm nhạc hay chiếu bóng.
Vật chất không suy nghĩ, cũng không thể tưởng tượng ra tương lai được. Trái lại, một tương lai do ta tưởng tượng ra, dù chưa có trong thực tại, đã có thể chi phối đời sống của ta rồi. Nhiều khi ta nghĩ tới ngày mai hơn là hiện tại hay quá khứ, và việc hình dung ra một tương lai sán lạn, hay một lý tưởng huy hoàng, ảnh hưởng tới các ý thức về bản ngã thực sự hiện tại và không để ta ở ngã ba đường bất định nữa.
4. Tính mục đích.
Cứ theo phương pháp đối chiếu, so sánh nguyên nhân phát hiện ra những sự kiện vật lý và nguyên nhân ảnh hưởng tới sự kiện tâm linh, ta thấy hai điểm này: sự kiện tâm linh không thể chỉ cắt nghĩa bằng nguyên nhân tác thành, còn phải cắt nghĩa bằng nguyên nhân mục đích.
Người ta có thể nhờ nguyên nhân tác thành để cắt nghĩa những sự chuyển động của vật chất. Trái lại, muốn cắt nghĩa những sự chuyển động tâm linh, còn cần phải nhờ nguyên nhân mục đích. Không thể chỉ tìm những nguyên nhân có vẻ máy mọc nơi một tình cảm, phải tìm tới những mục đích hay những lý do của nó. Trong một buổi chơi, học sinh lao nhao cử động, thở hỗn hển. Có người đến hỏi: các anh làm gì thế ? nếu các anh thưa: vì bắp thịt chúng tôi, chân tay chúng tôi bị điều khiển do một trung tâm chuyển động. Nghe trả lời như thế, người hỏi chắc hiểu các anh nói đùa, chứ sự muốn cử động của các anh về tâm lý, còn phải cắt nghĩa câu trả lời: vận động như thế để khoẻ.
Tóm lại, những sự kiện vật lý được cắt nghĩa xem nó xảy ra như thế nào. Hiện tượng tâm lý còn, phải xét xem chúng xảy ra để làm gì.
5. Tính bất định hay linh động.
a. Lựa chọn và thích nghi
Trong giới vật chất hay vật lý có luật tất định. Trong cùng một trường hợp, một vật phải phản ứng lại luôn thế. Nguyên nhân nào hiệu quả nấy; lửa châm vào rơm phải cháy. Trái lại, trong giới tâm linh, tất định thuyết không có tính tuyệt đối. Cũng một nguyên nhân mà nhiều khi sinh hiệu quả trái hẳn nhau. Thực ra, ý thức tâm linh có một sự lực chọn khá rộng rãi. Có một sự đào thảy trong đời sống tâm lý, có lúc yếu tố này được nổi bật, trong lúc yếu tố khác phải chui vào bóng tối. Khi tôi nghĩ tới tình yêu của người bạn, tất cả những nỗi cay chua của đời bớt phần ác nghiệt. Người ta còn đem ra một thí dụ: máy ảnh chụp ảnh, chụp tất cả những gì chạm tới mảnh phim, và luôn thế, trừ khi phim hỏng hay không đủ điều kiện ánh sáng. Trái lại, tôi thưởng thức một cảnh trời Thu: lúc thì để ý tới “lá thu rơi”, lúc lại thích nhìn vòm trời xanh biếc, khi lại chăm chăm nhìn lũ chim bay, lúc lại say mê những khúc lượn tài tình của bướm đùa với cỏ,hoa...Cũng từng cảnh ấy được chụp vào ý thức tâm lý, mỗi cảnh thay đổi nhau chiếm chỗ danh dự trong tâm hồn.
b. Phản ứng tâm lý mỗi lúc một khác nhau.
Trái với những vật hữu chất, luôn luôn phải phản ứng một chiều trong cùng trường hợp hay điều kiện lý hóa. Trạng thái tâm hồn mỗi lúc phản ứng mỗi khác, mỗi lúc lại đổi điệu. Ta có thể cảm giác cũng một đối tượng, nhưng chính cái cảm giác kia mỗi lúc một khác. William James đặt và thưa mấy câu hỏi có vẻ ngược lại: “Nhấn một phím đàn lúc nào cũng mạnh như nhau, phải chăng luôn nghe cùng một giọng ? Cùng một ngọn cỏ, phải chăng luôn làm cho ta có cùng một cảm giác xanh ? Cùng một trời, sao lại không làm cho ta có cảm giác xanh da trời ? Cũng một nước hoa Cologne, sao lại không phát sinh cùng một mùi, dầu ta ngửi nó nghìn lần? Nhưng cái mà t hiện hai lần, là cùng một đối tương. Cũng cùng một giọng ta nghe đi nghe lại, cũng cùng màu xanh ta xem nhiều lần, cũng cùng mùi thơm ta ngửi nhiều lúc, củng cùng một thứ ta đau khổ mà ta cảm thấy. Đó là những thực tại, cụ thể hay trừu tượng, vật chất hay tinh thần, xem ra đến trước ý thức ta luôn tin vào sự đồng nhất của đối tượng, ta vô tình tưởng rằng chúng được hình dung trong ta một cách chủ quan như nhau”. Nói khác đi, tưởng như thế là hão huyền, đối tượng khách quan không thay đổi, nhưng chủ quan nhận thức đối tượng luôn không đứng yên một chỗ.
c. Bá nhân bá tính.
Bất định tính của sự kiện tâm linh còn được đem ra ánh sáng, bằng câu nói thông thường ” bá nhân bá tính”. Mỗi người có sở thích riêng. mỗi người mỗi phản ứng khác, trước cùng một việc hay biến cố. Cái chết của người cha làm cho người em buồn, nhưng rất có thể gây một niềm vui nơi người anh, vì sắp hưởng gia tài của cha để lại. Cũng một danh từ Saigon, lại có thể gợi lên những liên tưởng khác nhau, tùy tâm trạng mỗi người, hay tùy lợi ích đang chi phối mỗi người...
II. PHÂN LOẠI CÁC SỰ KIỆN TÂM LINH.
1. Nguyên tắc: Phân chứ không tách.
a. Nói cách tiêu cực
So sánh với sự kiện vật lý, những sự kiện tâm linh tương tạo vào nhau, nghĩa là cuộc sinh hoạt tâm linh không gồm những thành phần tiếp cận bên nhau, cũng không gồm những thành phần tuy thấu nhập vào nhau như H và O là thành nước, nhưng lại có thể tách rời khỏi nhau, bằng điện giải chẳng hạn.
b. Nói cách khác.
Tính tương lai của những sự kiện tâm linh có nghĩa là chúng thấu nhập vào nhau một cách thân mật đến nỗi không thể có sự kiện này mà thiếu sự kiện kia. Giữa chúng luôn có mối quan hệ, các tác giả hiện đại gọi là siêu nghiệm, khác với mối quan hệ phạm trù.
2. Các loại sự kiện tâm linh.
Dầu sao ngưòi ta cũng có thói quen phân tích cuộc sinh hoạt tâm lý làm ba: Cuộc sinh hoạt tri thức, cuộc sinh hoạt hoạt động và cuộc sinh hoạt tình cảm. Phân tích nói đây là một tác động của lý trí. Sở dĩ lý trí có thể phân biệt được vì chúng khác nhau.
a. Loại sự kiện sinh hoạt tri thức.
Sinh hoạt tri thức, giống việc ăn và tiêu hóa nơi bất cứ sinh hoạt nào, gồm việc: tiếp nhận, tinh luyện và đồng hóa.
* Tiếp nhận: như sẽ có dịp bàn tới một cách chi tiết hơn, tri thức con người không có tính bẩm sinh mà có tính đắc thủ, nghĩa là phải vất vả tiếp thu từ ngoài vào, như một sinh vật tiếp thu đồ ăn thức uống để nuôi cơ thể. Có thể nói, đây là chặng đầu tiên của việc tri thức. Trí khôn mới là một khả năng, giống như một cuộn phim chụp ảnh. Sự vật sẽ loé sáng vào nó, và nó tiếp nhận ánh sáng của sự vật, dưới hình thức tâm linh. Không có ánh sáng của sự vật, trí khôn không bắt đầu sinh hoạt được.
* Tinh luyện: Tâm hồn con người cũng là một “sinh hoạt”. Nó không thụ động tiếp nhận sự vật. Nó biến phản ứng lại một cách sinh động, tức là tinh luyện “thức ăn” của nó ! Sự vật tự nó có tính vật lý, ở ngoài con người. Với tính vật lý như vậy, nó không thể nhập tịch giới tâm linh. Muốn nó nhập tịch trí khôn phải làm một cuộc tinh luyện hay thanh luyện, rút lấy (tức là trừu tượng) phần tinh túy nhất của sự vật, đưa sự vật vào chính mình mà không phải “nhảy” ra ngoài để bắt lấy (saisir) sự vật, và sự vật vẫn còn nguyên vẹn ở ngoài mà không cần phải biến mất hay bị cắt bớt phần nào. Khả năng tri thức của con người là thế đấy.
* Đồng hóa: Khả năng độc đáo của một sinh vật, là có thể tiêu hóa mọi thức ăn, thức uống, để chúng trở nên chính mình và phần nào mình trờ nên chúng. Tâm hồn cũng vậy. Nhờ sinh hoạt tri thức , nó có thể đồng hóa với sự vật và làm cho sự vật đồng hóa với mình, dĩ nhiên là sau khi đả đồng hóa chúng. Mỗi kiến thức nó thu nhập được làm nên một sợi chỉ trong muôn vàn sợi chỉ khác dệt thành một tấm vải đa màu đa sắc. Tấm vải đó, chính là tâm hồn.
b. Loại sự kiện sinh hoạt hoạt động.
Hoạt có nghĩa là sống, và hoạt động là hành động của một vật sống, do một nguyên sinh lực nội tại ngay trong vật sống. Trong số các khoa học thực nghiệm, có môn động học và môn động lực học thuộc nhóm vật lý học. Môn học trước học về chính sự chuyển động, và môn học sau về nguyên nhân gây nên chuyển động. Trong tâm lý học cũng vậy.
* Có môn “Động học tâm linh”. Nói chung, là môn học về mọi chuyển động của tâm hồn hay của thể xác liên kết chặt chẽ với tâm hồn, tức là những cử động.
* Có môn “Động lực học tâm linh”. Môn này bàn về những nguyên nhân gây nên những chuyển động nói trên. Tâm hồn con người là một khả năng đầy tính năng động, do nguồn nghị lực nội tại ngay trong chính mình. Nói “sinh hoạt hoạt động” là nói riêng về sinh hoạt tâm hồn dưới khía cạnh “nguồn nghị lực” này. Nó phát sinh và nuôi dưỡng những chuyển động khơng ngừng của mọi bộ phận của giới tâm linh.
c. Loại sự kiện sinh hoạt tình cảm.
Đây là một số điểm độc đáo của loại sự kiện tâm linh này, không thể giản lược vào giai đoạn trên.
Tính chủ quan rất sâu đậm. Loại sự kiện tri thức, ít ra lúc đầu, phải hướng ra ngoài; loại sự kiện hoạt động, cũng phải hưóng tha. Hai loại này đều có tính hữu hướng hay ý hướng. Biết, là biết cái gì; muốn là muốn điều gì ? Sự kiện tình cảm lại như nằm lỳ trong chủ thể. Nó có tính chủ quan rất cao, và vì thế, rất khó thông tri cho người khác.
* Biến đổi chủ thể. Tình cảm gây nên những trạng thái khoái lạc hay đau khổ, qua đó, nó làm cho chủ thể ra như “núng động”, bị “rung động” và trong trường hợp này, chủ thể ở trong một tình trạng hết sức “bị động”. Pháp ngữ có chữ “être affecté”, từ đó có những chữ “affection”, “affectivité” mà ta gọi là tình cảm. Những kiểu nói trên đây diễn tả rất đúng tình trạng sướng khổ của chủ thể, qua loại sự kiện tình cảm này.
Trên đây là phân tích, và phân tích bằng lý trí mà thôi. Trong thực tế, hể có một ý tưởng (sự kiện thuộc sinh hoạt tri thức) là ý tưởng đó mang một hệ số động lực để trở thành khuynh hướng (sự kiện sinh hoạt hoạt động), rồi khuynh hướng đó được thoả mãn hay không mà có khoái lạc hay đau khổ (những sự kiện thuộc sinh hoạt tình cảm). Vì thế, việc phân chia như trên chỉ là theo quan điểm hay theo khía cạnh của một cuộc sinh hoạt tâm lý duy nhất.
Mẫu câu hỏi gợi ý:
1. Nội giới là gì ?
2. Tại sao sự kiện tâm linh không thể đo lường được ?
3. Vai trò tâm lý và thời gian vật lý.
4. Vai trò của mục đích trong sinh hoạt tâm linh.
5. Giống ý thức luôn luôn chảy nghĩa là làm sao?
6. Thế nào là một sự kiện tri thức ?
7. Sự kiện tri thức và sự kiện hoạt động khác nhau làm sao ?
8. Đâu là tính độcđáo của sự kiện tình cảm ?
Cao Văn Đạt
No comments:
Post a Comment