Friday, February 23, 2018

Văn học Trung Quốc

 Văn học Trung Quốc

I. Khái lược về Đường thi.
1.1  Khái niệm Đường thi
Khái niệm Đường thi có từ thời Đường (618 – 907) – một triều đại được coi là có nhiều chính sách tiến bộ nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Khái niệm Đường thi vẫn là một khái niệm co dãn, có khi được chỉ tất cả các bài thơ được sáng tác vào đời Đường của Trung Quốc (bất kể thuộc cổ thể hay cận thể), có khi lại chỉ tất cả các bài thơ làm theo thể Đường luật (bất kể được sáng tác vào lúc nào , ở Trung Quốc hay ở Việt Nam).
Cách hiểu thứ nhất, Đường thi được hiểu trùng với phạm vi của một triều đại. Cuốn toàn Đường thi đã sưu tập được 48900 bài thơ của hơn 2200 tác giả sống trong khoảng thời gian từ năm 618 đến năm 907, và được sáng tác trên 3 thể chính : Thơ luật Đường, thơ Cổ phong và Nhạc phủ. Theo cách phân chia này thơ đường được chia làm 4 giai đoạn: Sơ Đường (618 – 713), Thịnh Đường (713 – 766), Trung Đường (766 – 835), Vãn Đường (835 – 907). Nếu theo cách hiểu này, khái niệm Đường thi bị bó hẹp là thơ của một triều đại.
Về cách hiểu thứ hai, có nghĩa là Đường thi trở thành một thể tài, có những nguyên tắc và chuẩn mực nhất định. Khái niệm Đường thi đồng nhất với khái niệm luật thi – một thể thơ mới ra đời vào thời Đường. Như vậy sẽ  không còn bó hẹp về không gian và thời gian, chỉ cần những sáng tác đảm bảo quy tắc của luật thi đều là thơ Đường. Nhận thấy rằng tất cả những sáng tác vào thời Đường, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù ít hay nhiều đều bị ảnh hưởng bởi thơ Đường luật . Thời Đường có một sự  vận động lớn trong thơ ca, mà luật thi là sản phẩm cao nhất của quá trình đó. Nên hiểu theo nghĩa phái sinh Đường thi là một thể loại thơ cũng là hợp lí.

1.2  Đặc điểm của thơ Đường luật
Thơ Đường luật ra đời trên cơ sở những tiền đề về kinh tế, tư tưởng và văn học. Có thể nói chính sự pháp triển về kinh tế, sự tự do về học thuật tôn giáo và sự vận động không ngừng của hệ thống văn chương đã đem đến sự cường thịnh của văn học đời Đường. Hơn nữa triều Đường đã chú trọng phát triển chế độ khoa cử, quy định lấy thơ phú để chọn kẻ sĩ. Vì thế  Nho sĩ bồi bổ tài văn chương, sáng tác thơ văn đủ niêm luật để ứng thí . Ngoài ra, thời kì này phong trào dịch thuật kinh Phật rất phát triển, các nhà dịch thuật dùng ngôn ngữ bạch thoại đương thời để dịch kinh phật từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Trung Quốc, làm cho hệ thống ngôn ngữ phong phú đầy đủ hơn. Sự giàu có về ngôn ngữ đủ sức diễn đạt những ý vị sâu sa và những cấu tứ lạ lẫm trong thơ Đường.
Phong cốt và hứng kí là hai khái niệm dùng để diễn đạt đặc trưng về nội dung của thơ Đường luật. Phong cốt thơ  Đường lấy cứng cỏi mạnh mẽ của Hán Ngụy bỏ đị phong kí suy đồi thời Lục Triều. Có người nhận xét  phong cốt của Đường thi là “tinh thần lạc quan sẵn có của người đời Đường kết hợp với tính cách anh hùng trong văn học Kiến An và truyền thống tinh thần lí tưởng từ Khuất Nguyên trở đi”. Hứng kí nghĩa là tỉ hứng kí thác, thủ pháp của thi nhân dùng tỉ hứng để kí thác hoài bão chính trị của mình (gọi tắt là tỉ hứng). Hứng ký thơ Đường đã tiếp thu và thể hiện quan niệm “mĩ thích tỉ hứng” của truyền thống , coi trọng tác dụng phản ánh hiện thực cuộc sống, đặc biệt là nêu lên nỗi khổ và các giải thoát u phẫn trong lòng nhân dân. Tuy nhiên có sự đổi mới về phương thức thể hiện, vận dụng thủ pháp “trực trần kì sự” của thể phú nên lời thơ cứng cỏi sắc bén.
Thanh điệu và từ chương là yếu tố cấu thành về hình thức của Đường thi. Thanh luật Đường thi là sự kế thừa và phát triển hệ thống thanh luật của thơ ca thời Tề Lương. Theo những ghi chép trong “thơ ca bát bệnh” của Thẩm Ước ta thấy thơ ca thời Tề Lương chia thanh liệu thành 4 loại “bình, thượng, tứ, nhập”  tuy chặt chẽ trong từng liên, từng câu nhưng trong lỏng lẻo giữa các liên, và có phần  rườm rà khó nhớ. Cách lưỡng phân thanh điệu thành bằng và trắc cùng với những quy định chặt chẽ về niêm luật tạo thành một phương thức quy phạm hóa tuy có phẩn ngặt nghèo nhưng lại thuận tiện trong học tập và nắm vững. Thơ Đường có sự biến hóa linh động trong tổ chức cú pháp. Sử dụng phổ biến hình thức đảo trang, tỉnh lược mất đi trật tự lôgic của tản văn, câu thơ trở nên cô đọng hàm xúc hơn. Ngôn ngữ Đường thi vừa chất thực vừa cứng cỏi, vừa thẳng thắn vừa sát thực.Nó mất đi dạng âm tiết tự nhiên cái gọi là ngôn ngữ đời thường, những hư từ không còn xuất hiện trong văn thơ nữa. Nó cũng không phải là ngôn ngũ bóng bẩy, trau truốt của thơ ca thời Nam Bắc Triều mà là ngôn ngữ tinh tế, được lựa chọn kĩ lưỡng hết sức tự nhiên chứ không hề sống sượng. Nói chung, trong thơ Đường ta thấy lại phong kí lãng mạn nhưng cũng giàu tính hiện thực của Kinh thi và Li Tao, có yếu tố trữ tình, tự sự của thơ ca thời Hán, Lục Triều, có sự phong phú về nội dung phản ành và sự phát triển của thơ ca thời Ngụy Tấn. Sự dung hợp đầy đủ những yếu tố đó trong thơ ca của một thời đại là lí do thơ Đường được tôn vinh là di sản đặc sắc trong nền văn học trong nước và thế giới.
Luật thi được hình thành sau đời Đường khi thơ ca đã phát triển toàn diện và định hình. Luật thi quy định về  số chữ trong một cấu, số dòng trong toàn bài. Thơ Đường luật có các dạng chuẩn “thất ngôn bát cú” (tám câu, mỗi câu bảy chữ), và có các biến thể như “thất ngôn tứ tuyệt”, mỗi câu bảy chữ), ” ngũ ngôn tứ tuyệt” (bốn câu, mỗi câu năm chữ),”ngũ ngôn bát cú” (tám câu, mỗi câu năm chữ) cũng như các dạng ít phổ biến khác, “Thơ bài luật” là một dạng kéo dài của Đường luật, trong đó sự đối ngẫu có trong 6 câu trở lên, cả bài gồm 10 câu trở lên, theo tập quán, thường lấy số vần chẵn chục .. . cho nên thường chia rõ ràng bằng các chữ thập vận, nhị thập vận.
Thơ Đường luật nghiêm khắc ở 3 điểm: Luật, Niêm và Vần.
Luật chia thành luật bằng trắc, và luật đối. Luật bằng trắc của thơ Đường lưỡng phân thanh điệu thanh “thanh bằng” và “thanh trắc”. Đó là sự đối lập về âm thanh của các chữ thứ 2-4-6 trong một câu thơ . Nếu chữ thứ 2 của câu đầu tiên dùng thanh bằng thì gọi là bài có “luật bằng”; nếu chữ thứ 2 câu đầu dùng thanh trắc thì gọi là bài có “luật trắc”. Trong một câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải giống nhau về thanh điệu, và chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia. Nếu một câu thơ Đường mà không theo quy định này thì được gọi “thất luật”.
Còn luật đối là những quy định về sử dụng nghệ thuật đối trong một cấu và trong một liên. Đối là phương thức tổ chức lời văn bằng cách điệp cú pháp nhằm tạo hai vế, mỗi vế là một câu  tương đối hoàn chỉnh, được viết thành hai dòng cân xứng sóng đôi.  Đỗi ngẫu có từ trước, sử dụng phổ biến trong thơ ca nhưng đối trượng chỉ dùng trong thơ Đường.  Hình thức đối trượng người ta gọi là công đối. Công đối là hình thức đối đầy đủ cả về ý và và về thanh điệu, từ loại. Khoan đối đối rộng đối không chỉnh, đối lỏng. Liên thứ 3, thứ 4 trong một bài thất ngôn luật thi phải đối và nếu chuẩn là hình thức công đối.
Luật là cách thức tổ chức âm thanh trong một liên, và trong một câu của liên. Niêm là cách thức tổ chức âm thanh giữa các liên với nhau. Các câu trong một bài thơ Đường giống nhau về luật thì được gọi là “những câu niêm với nhau”. Hai câu thơ niêm với nhau khi âm thanh của những chữ thứ 2, 4, 6 trong một niêm tương đồng về mặt âm thanh, bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Ở những câu theo nguyên tắc là cần phải niêm, nếu tác giả sơ xuất mà làm thành không niêm thì bài đó bị gọi là “thất niêm”. Nguyên tắc niêm trong một bài thơ Đường chuẩn (thất ngôn bát cú) như sau:
  • câu 1 niêm với câu 8
  • câu 2 niêm với câu 3
  • câu 4 niêm với câu 5
  • câu 6 niêm với câu 7
Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường chuẩn, vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là “vần với nhau”. Nếu một bài thơ Đường mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi “thất vận”. Trong một bài  thơ nếu câu đầu tiên gieo vần thì gọi là “thủ cú nhập vận”, và ngược lại gọi là “thủ cú bất nhập vận”. Bài thơ từ  đầu đến cuối gieo một vận gọi là “độc vận” Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là “vần chính”, những chữ có vần gần giống nhau gọi là “vần thông”. Hầu hết thơ Đường dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ

II. Ảnh hưởng của thơ Đường luật đến văn học Việt Nam.
2.1 Những tiền đề cho sự tiếp nhận Đường thi của văn học Việt Nam
Văn học Trung Quốc có ảnh hưởng sâu sắc đên văn chương Việt Nam. Mối quan hệ đó được hình thành từ  những năm Bắc thuộc, và tiếp tục phát triển cho đến những giai đoạn tiếp theo. Trong cuốn “thi pháp văn học trung đại Việt Nam”  giáo sư Trần Đình Sử có nhận xét về văn chương chữ Hán Việt Nam như sau: “Người Việt Nam hầu như đã di thực toàn bộ thể loại văn học của Trung Quốc vào Việt Nam với những quy mô và biến đổi khác nhau. Trước hết là các thể loại của sử học và các thể loại hành chính, sau đó là các thể loại thơ, phú và truyền kì, tiểu thuyết”. Trong mối quan hệ đó, Đường thi không thể không có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam. Hơn nữa Việt Nam lại có một số yếu tố kích thích thi nhân sử dụng Đường thi để sáng tác. Thơ Đường ngay từ khi ra đời đã có ảnh hưởng khá đậm nét ở Việt Nam, và chỉ đến khi thơ mới những năm 30 của thế kỉ XX ra đời thì sáng tác thơ theo phong cách thơ Đường mới dần dần ít đi. Ở Việt Nam thơ Đường được sáng tác bằng hai ngôn ngữ chính là chữ Hán, và chữ Nôm. Dù là Nôm hay Hán đều có những sáng tác thơ Đường đạt đến mức điêu luyện. Thi nhân sáng tác thơ Đường như một thể thơ của dân tộc.
Để nói về những thuận lợi của việc du nhập thơ Đường vào văn thơ dân tộc,  trước hết, cần phải nói rằng thơ Đường luật có một kết  cấu chặt chẽ, ổn định. Tính chất mô hình hóa khá cao, đây là điểm khó khăn trong sáng tác nhưng lại tạo sự dễ dàng cho sự tiếp thu và chuyển hóa, mô hình càng chặt thì càng dễ đưa đi xa. Cũng như các nước trong khu vực, Việt Nam cũng tiếp thu phần ảnh hưởng của thơ đường.
Về mặt ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu phân tích rằng, trong thời kì Bắc Thuộc người An Nam có thể nói chuyện bình thường với người Trung Quốc. Cho nên những hình thức về âm điệu đời Đường không có gì xa lạ trong đời sống của người dân ta.
Vào đời Đường chính quyền phong kiến tăng cường hệ thống giảng dạy chữ Hán, để đọc được chữ Hán người việt đã dựa vào cách đọc của người Hán và đặc điểm ngữ âm của người Việt từ đó hình thành nên cách đọc Hán Việt. Mặc dù trong quá trình biến đổi ngữ âm của người Việt âm Hán Việt này cũng biến đổi nhưng về cơ bản cách đọc Hán Việt này vẫn còn tồn tại. Trong khi đó ở Trung Quốc sau đời Đường ngữ âm tiếng Hán tiếp tục biến đổi để hình thành nên tiếng Trung Quốc hiện đại, về mặc ngữ âm đã khác hẳn với đời Đường, vì thế có hiện tượng thơ Đường Luật không đúng với ngữ đặc điểm ngữ âm đương thời nhưng đúng với ngữ âm đời Đường. Quá trình đối chiếu người ta nhận thấy tiếng Việt đã lưu lại cách đọc chữ Hán đời Đường
Cách đọc hán Việt của người Việt bắt  nguồn hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường mà cụ thể là Đường âm dạy ở giao Châu vào giai đoạn bao gồm hai thế kỉ VIII, IX. Đến năm 938, khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, thành lập một quốc gia độc lập thì những ảnh hưởng về ngôn ngữ dần dần ít đi. Trong khi ở Trung Quốc hệ thống ngữ âm tiếp tục phát triển nhiều biến đổi khác trước, thì âm đọc tiếng Hán đời Đường vẫn được giữ lại ở Việt Nam. Vì thế đôi khi ở trong tiếng hán hiện đại một số bài về gieo vần và luật bằng trắc không chuẩn nhưng ở trong tiếng Hán Việt thì lại rất chuẩn. Sự biến đổi âm Hán Việt trong lịch sử chỉ là sự biến đổi ở phụ âm đầu, âm đệm không biểu hiện ở phụ âm cuối âm tiết, ở thanh điệu, phần vần chỉ có sự khác biệt đôi chút không cơ bản. Vì thế có người nhận xét người Việt Nam đọc thơ Đường như Lí Bạch ngâm thơ của mình.
Hơn nữa, thơ Đường luật lại được đưa vào hệ thống thi cử nước ta. Ở Việt Nam từ khoa thi Giáp Thìn (1304) đời Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 12, thơ Đường luật đã được đưa vào khoa cử. Từ đó trở đi, môn thi thơ Đường luật là môn thi luôn có trong  phép thi các đời. Khi thơ Đường luật trở thành một môn thi bắt buộc thì việc làm thở Đường luật không chỉ là công việc sáng tác văn chương mà là việc học nghề , gắn liền với cơm áo và danh vọng.

2.2 Nhận diện thơ Đường trong bài Mạn hứng 2 của Nguyễn Trãi
2.2.1 Văn bản bài thơ “Mạn hứng2”
v Nguyên văn
漫興
九萬摶風記昔曾
當年錯比北溟鵬
虛名自嘆成箕斗
後學谁將作準繩
一片丹心真汞火
十年清職玉壺冰
優游且復言余好
俯仰隨人謝不能
v Phiên âm
Mạn hứng
(1)Cửu vạn đoàn phong kí tích tằng,
(2) Đương niên thác tỉ bắc minh bằng
(3) Hư danh tự thán thành cơ đẩu
(4) Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng.
(5) Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa
(6) Thập niên thanh chức ngọc hồ băng
(7) Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
(8) Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng
v Dịch nghĩa
Vượt lên chín vạn dặm , nhớ xưa đã từng
Lúc bấy giờ lầm ví mình như chim đại bàng biển Bắc
(Được) cái hư danh than (mình) như sao Cơ sao Đẩu
Sau này học giả ai sẽ (lấy ta) làn cái mực cái thước.
Một tấm lòng son như lửa luyện đơn bằng thủy ngân,
Mười năm thanh chức như mảnh giá trong bình ngọc
Đùng đỉnh thung thăng hãy lại nói lên điều ta ưa thích
Ngửng lên cúi xuống theo người đời, xin từ chối không sao làm được.
v Dich thơ
Từng cỡi gió vẫy vùng vạn lí
Năm xưa ta làm vì chim bằng
“Đấu, Cơ” danh hão mà  thương
Ai làm mực thước cho làng hậu nho
Lòng son rực như lò luyện thủy
Tuyết băng trong xuất sĩ mười năm
Ung dung nói hướngta nhằm
Vào luồn ra cúi rằng can bất tài
(Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, Phan Võ –  Lê Phước ,Đào Phương Bình dịch, NXB văn hóa, viện văn học, 1962, trang71)

2.2.2  Giới thiệu tác giả tác phẩm
Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, quê Chí Linh Côn Sơn Hải Dương. Ông là một trong những bậc khai quốc công thần của nhà Lê, từng  phụ giúp Lê Thái Tổ đánh thắng quân Minh xâm lược. Hòa  bình lập lại  ông  tích cực đưa ra những cải cách . Tiếng là được vua tin dùng nhưng tư tưởng nghi thị khai quốc công thần của vua Lê,  tính mạng của Nguyễn Trãi thường xuyên bị đe dọa. Hơn nữa tuy là chức cao nhưng  thực chất quyền hạn không được là bao. Năm 1440 Nguyễn Trãi lui  về ở ẩn ở Côn Sơn. Năm 1442, sau vụ án Lệ Chi Viên Nguyễn Trãi nghi ngờ là mưu sát Lê Thái Tông, và bi tru di tam tộc. Đến đời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi được giải oan và được phục hồi lại danh phẩm.
Bài thơ Mạn hứng 2 là nằm trong chùm thơ Mạn hứng 5 bài. Và được in trong tập thơ “Ức Trai thi tập” do Trần Khắc Kiệm biên soạn và đề tựa năm 1480. Tập thơ gồm 105 bài thơ chữ Hán

2.2.3 Biện biệt về niêm, luật, vần của bài thơ
a, Luật
Chữ thứ hai của câu đầu gieo vần trắc nên bài thơ thuộc “luật trắc”. Luật bằng chắc trong từng câu và trong từng liên đều đối rất chuẩn. Trong mỗi câu chữ thứ 2, 4,6 đối nhau. Và chữ thứ 2 của câu thứ nhất đối thanh với chữ thứ 2 của câu thứ hai, chữ thứ 4 của câu thứ nhất đối thanh với chữ thứ  4 của câu thứ hai, chữ thứ 6 của câu thứ nhất đối thanh với chữ thứ 6 của câu thứ hai,
Liên 1 :
(1)                T T B B T T B
(2)                B B T T T B B
Liên 2 :
(3)                   B B T T B B T
(4)                   T T B B T T B
Liên 3
(5)                   T T B B B T T
(6)                   T B B T T B B
Liên 4
(7)             B B T T B B T
(8)             T T B B T T B
Trong liên thơ thứ 2, thứ 3 có sừ dụng hình thức đồi
虛名自嘆成箕斗
後學谁將作準繩
Hư danh ><hậu học, tự thán ><thùy tác
一片丹心真汞火
十年清職玉壺冰
Nhất phiến băng tâm >< mười năm thanh chức, nhất và mười đều là số từ, thanh và đan đều chỉ màu sắc.
b, Niêm
Là sự phối hợp âm thanh giữa các liên với nhau. Cứ câu đầu liên này phối hợp với câu cuối của liên kia. chữ thứ 2 của câu thứ nhất đồng thanh với chữ thứ 2 của câu thứ hai, . chữ thứ 4 của câu thứ nhất đồng thanh với chữ thứ 4 của câu thứ hai, . chữ thứ 6 của câu thứ nhất đồng thanh với chữ thứ 6 của câu thứ hai,
Niêm 1:
(1)T T B B T T B
(8)T T B B T T B
Niêm 2
(2) B B T T T B B
(3) B B T T B B T
Niêm 3
(4)T T B B T T B
(5) T T B B B T T
Niêm 4
(6) T B B T T B B
(7) B B T T B B T
c, Vần
Vần : bài thơ gieo vần “ăng” ở các câu 1, 2, 4, 6, 8 đây là bài thơ độc vận và “thủ cú nhập vận”.

2.2.4  Điển tích, điển cố trong bài thơ
–                      “九萬摶風” , “北溟鵬” là lấy tích trong sách Nam Hoa Tử ,  của Trang Tử.
Trong “Tiêu dao du”, có viết:
“ Biển Bắc có con cá gọi là cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim gọi là chim bằng, lưng ronngj không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển ( Bắc) động thì nó dời về biển Nam, biển Ban là Ao trời.
Tề Hài là sách ghi những chuyện quái dị. Sách đó bảo khi con chim bằng dời xuống biển Nam, nó đập nước tung tóe lên ba ngàn dặm rồi nương gió lốc cuốn lên chim cao chín vạn dặm. Nó xuống biển Nam vào tháng sau, lúc gió nồi lên.”
Người ta dùng tích này để chỉ người tài chí hơn người, đứng trên tất cả. Con người đó giống như cánh chim Bằng biển Bắc, không chụi gò bó bởi bất cứ điều gì, và là người có tài năng và phẩm chất hơn người. Tuy trong bài thơ Nguyễn Trãi chỉ nói là “nhầm” ví mình như cánh chim Bằng nhưng đây cũng là một trong những minh chứng để người ta nghi ngờ vấn đề tư tưởng bá vương của Nguyễn Trãi.
–                     虛名自嘆成箕斗
箕斗 là tên hai ngôi sao trong nhị thập bát tú.trong Kinh thi  – Đại nhã có  câu “Duy Nam hữu cơ, bất khả dĩ bá dương
Duy Bắc hữu đẩu, bất khả dĩ tửu tương”
(Phương Nam có sao  cơ (hình giống cái nia) không thể dùng sàng sẩy được
Phương Bắc có sao đẩu (hình giống cái đấu) không thể dùng chứa rượu được)
ở đấy ý nói là vô dụng
Tô Đông Pha thời Tống cũng có câu thơ
“Ta quân diệu chất giai hồ liễn
Cố ngã hư danh đán cơ đấu”
Bài thơ được sáng tác trong thời gian Nguyễn Trãi làm công thần dưới triều vua Lê Thái Tổ. Nguyễn Trãi có khi được giữ chức vụ rất cao như Hàn lâm thừa chỉ, Lại bộ thượng thư ,nhập nội hành khiển, kiêm quản khu mật viện… thế nhưng nhiều chính sách cải cách của ông không được thực hiện nên ông tự gọi đó là những hư danh.
–                     “一片丹心” : Là một thành ngữ của trong Đường thi để chỉ tấm lòng son sắc. Đỗ Phủ cũng có câu:
白髮千莖雪
丹心一寸灰
“Bạch phát thiên hành tuyết
Đan tâm nhất thốn hôi”

III. Kết luận
Từ những phân tích trên có thể rút ra kết luận là bài thơ thuộc thể thất ngôn luật thi. Đảm bảo về những quy định nghiêm ngặt của thơ luật. Chỉ 56 chữ nhưng bài thơ đủ sức tái hiện được tâm trạng của Nguyễn Trãi những ngày làm quan dưới triều Lê.Sự u uất trong việc không có thực quyền. Nhận thấy răng đây cũng không phải là một bài thơ hết sức đặc sắc. Thông thường một bài Đường thi chuẩn thì ở cả liên 2, liên3 đều vận dụng hình thức công đối, bài thơ có sử dụng hình thức đối  nhưng chưa phải là công đối. Tuy nhiên đây cũng là một minh chứng rằng đường thi có ảnh hưởng sâu đậm đến thơ ca Việt Nam, và các tác gia văn học Trung đại Việt Nam nắm rất chắc về vần, thanh điêu của thơ Đường.

TIẾP NHẬN LI TAO DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HỌC SỬ

  1. 1. Văn học sử và các vấn đề văn học sử
Tiếp cận tác phẩm văn học luôn chứa đựng những yếu tố mở, không còn bó hẹp trong những phương thức truyền thống như thi pháp học, huấn hỗ học, văn tự học mà mở rộng ra nhiều phương thức khác nhau như văn hóa học, phân tâm học hay liên văn bản. Chính sự đa dạng và tính mở trong lựa chọn phương thức tiếp cận đã mang đến những nhận định sắc sảo và mới mẻ cho những tác phẩm văn học. Trong các phương thức trên, phương thức tiếp cận tác phẩm văn học dưới góc độ văn học sử là một phương thức truyền thống, cơ bản. Nhưng bản thân phương thức này, cũng đang biến đổi theo cùng với sự biến đổi của xã hội đặc biệt là sự biến đổi về ý thức và tư tưởng. Đã có một thời những tác phẩm được tiếp nhận theo góc độ văn học sử nhưng dưới con mắt của một nhà văn học mang tư tưởng tả khuynh, đặt nặng vấn đề giai cấp. Khi đó khó mà có thể đưa ra những nhận xét đúng đắn về hiện tượng văn học, cũng như xác định vai trò của nó trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Trong thời điểm gần đây, khi giai đoạn nhạy cảm chính trị đã qua đi, nhà nghiên cứu không còn bị câu thúc trong bất kì một hệ tư tưởng nào thì vần đế đặt ra chính là viết lại văn học sử, để nhận diện chính xác bản thân văn học.
Một công trình văn học sử phải khái quát được tiến trình phát triển của lịch sử văn học, trên cở  sở chỉ rõ và phân tích các yếu tố nội tại trong bản thân văn học. Một công trình văn học sử thực sự là phải làm bật được tính giai đoạn và tính liên tục của lịch sử phát triển văn học. Điều đó có nghĩa là yếu tố cơ bản đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của nhà văn học sử là vần đề phân kì văn học. Không ít tác giả đã đồng nhất phân kì văn học với phân kì lịch sử của một quốc gia, như thế đã vô tình đồng nhất sự biến đổi văn học với sự hưng phế bất thường của một triều đình phong kiến. Đúng đắn và chính xác là phải nghiên cứu sự vận động của các yếu tố nội tại trong văn học là :quan niệm văn học và mỹ học; hệ thống chủ đề, đề tài; hệ thống hình tượng nhân vật trung tâm; hệ thống thể loại, và cuối cùng là ngôn ngữ văn học, chỉ khi nào cả 5 yếu tố đó đều biến đổi thì mới đủ hợp lí để đặt mốc phân kì văn học. Tiếp đến trong từng thời kì văn học phải nói rõ đặc điểm, sự kế thừa và đóng góp của các tác gia trong giai đoạn này, đồng thời cũng xác định tác giả tác phẩm tiêu biểu. Ngoài ra, nghiên cứu cụ thể một giai đoạn văn học thì phải giới thiệu được vị trí và ảnh hưởng của tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn văn học đó cũng như trong toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử văn học. Ở đây chúng ta sẽ sử dụng phương pháp này để tìm hiểu tác phẩm Li Tao của Khuất Nguyên.
  1. 2. Giới thiệu Li Tao và Khuất Nguyên
Khuất Nguyên là một nhà thơ nước Sở  thời kì Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Quốc. Li Tao là một tác phẩm không những có tính chất đại diện cho tên tuổi của Khuất Nguyên mà còn cho cả Sở Từ. Nội dung chủ yếu của tác phẩm là phản  ánh nỗi phẫn nộ của Khuất Nguyên đối với nền thống trị thối nát, đen tối của nước Sở, cũng như nỗi thống khổ của ông nhiệt ái cố quốc, nguyện hết lòng cống hiến và nó mà không thể được của ông, đồng thời cũng bộc lộ nỗi ai oán của bản thân bị đãi ngộ không công bằng. Cả bài thơ khổ đau tê tái, tình cảm vô cũng mãnh liệt, nỗi buồn khổ, đau đớn của ông trào ra không sao ngăn cản được, từ đó hình thành nên đặc điểm trở đi trở lại về hình thức thơ ca. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu thời xưa dùng Tao, hay Tao thể để gọi thay cho Sở từ. Như Lưu Hiệp thời Nam Triều trong tác phẩm Văn tâm điêu long có thiên “Biện Tao” nghĩa là bàn về Li Tao, nhưng nội dung thiên lại bàn về cả Sở Từ cũng như đặc điểm sáng tác của Khuất Nguyên . Chính vì tình chất đặc trưng và quan trọng của tác phẩm, nên khi viết văn học sử cần phải làm nổi bật được sự kế thừa, sáng tạo và đóng góp cho tiến trình phát triển của lịch sử văn học. Vì sự phát triển của văn học, thực tế cũng chính là quá trình vừa sự tiếp thu kế thừa không ngừng của sáng tác văn học sau này với văn học truyền thống đã qua, vừa không ngừng làm mới.
  1. 3. Li Tao dưới góc nhìn văn học sử
Chúng ta sẽ tìm hiểu, những yếu tố cũ và yếu tố mới trong Li Tao, trên cơ sở tìm hiểu nét tương đồng ta sẽ tìm hiểu rõ sự khác biệt và tính sáng tạo của Khuất Nguyên. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu Li Tao đã kế thừa những gì từ nền văn học dân tộc. Hầu hết những sáng tác của các tác gia thời kì đầu của văn học đều có nền tảng trên các chất liệu dân gian. Khuất Nguyên đã tiếp nhận những đặc điểm và thành tựu là Kinh Thi và dân ca nước Sở. Kinh Thi và Sở Từ là hai đại diện xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc giai đoạn Tiên Tần. Nếu như nói “Kinh Thi” là đại biểu cho văn hóa Trung Nguyên phương bắc, là lời nói đánh dấu thành tựu cao nhất của văn học thuộc lưu vực sông Hoàng Hà, vậy thì, “Sở Từ” lấy Khuất Nguyên làm đại biểu, thì cũng là đại biểu cho văn hóa nước Sở phương nam, đánh dấu thành tựu cao nhất của lưu vực sông Hoài. Kinh Thi ra đời vào khoảng thế kỉ thứ VI TCN, Khuất Nguyên sáng tác Li Tao trong khoảng thế kỉ thức IV TCN,  tuy Kinh Thi và Sở từ không cùng thời kì, không cùng khu vực và có nhiều điểm khác biệt về hình thức văn học, cũng như về loại hình văn học nhưng lại có rất nhiều mối quan hệ. Từ rất sớm người ta đã nhận ra mối quan hệ giữa “Li Tao” và “Kinh Thi”, như Lưu An thời Hán Vũ Đế cho rằng: “ Quốc Phong hiếu sắc nhưng không dâm, Tiểu Nhã oán thán nhưng không loạn, như “Li Tao” bao gồm cả hai điều đó”, Vương Dật thời cuối thời Đông Hán, làm “Sở từ chương cú”, thì từ góc độ thủ pháp “tỉ” , “hứng”, để đưa ra mối quan hệ giữa Li Tao và Kinh thi. Đến Lưu Hiệp thời Nam Triều, làm “Văn tâm điêu long – Biện tao” khái quát cao độ về mặt lí luận về mối quan hệ giữa Sở Từ và Kinh Thi. Có thể khái quát sự tiếp nhận đó ở một số luận điểm sau:
Thứ nhất, về kết cấu tác phẩm, Li Tao có kết cấu tương đối giống với “Đại Nhã – Sinh dân” trong Kinh Thi. Cả “Sinh dân” và “Li Tao”  đều theo lịch trình tứ sinh  ra đến khi qua đời của một người, và lịch trình sinh mệnh của một nhân vật chủ thể có quan hệ mật thiết đối  với sự hưng suy của một dân tộc. “ Sinh dân” thuật lại cuộc đời của Hậu Tắc thủy tổ nhà Chu, từ lúc bà Khương Nguyên dẫm phải dấu chân thần mà có mang, đẻ ra Hậu Tắc, không dám nuôi, đem vứt bỏ không được đành phải nuôi, về sau Hậu Tắc là người dạy cho dân trồng trọt. Li Tao đã thuật lại cuộc đời của chính tác giả từ khi sinh ra đã có “nội mĩ”, lớn lên muốn theo đuổi thực hiện tư tưởng “mỹ chính”, nhưng thực tế nghiệt ngã không thực hiện được ông thực hiện những cuộc vui chơi trên trời xuống đất , và cuối cùng là tuyệt vọng và nguyện chết cho lí tưởng của mình. Cả hai tác phẩm đều nổi bật nghệ thuật hòa trộn giữa nhân tính và thần tính, sự thống nhất giữa tinh thần hiện thực với sắc thái lãng mạn.
Nhưng văn học dân gian là những sáng tác của quần chúng nhân dân lao động, được tập thể bổ sung hoàn thiện, người ta coi trọng nội dung tình cảm trong thơ ca hơn là coi trọng yếu tố đặc thù hay yếu tố nghệ thuật bao hàm trong bản thân tác phẩm ấy. Vì thế tính hoàn chỉnh và tính thống nhất của kết cấu thông thường chưa từng được có được sự chú ý theo ý thức tương đối tự giác.
Hơn nữa, xưa nay trong lúc mọi người tiến hành sáng tác nghệ thuật, thường sử dụng hai loại khuynh hướng thẩm mĩ cơ bản hoặc là phản ánh cuộc sống khách quan hoặc là bộc bạch tình cảm chủ quan. Nhìn Từ góc độc loại hình văn học, “Sinh dân’ và “Li Tao” phân biệt giữa thơ tự sự và thơ trữ tình. Vì thế cho dù giữa hai loại đó tồn tại rất nhiều sự thống nhất, như đều hình thành kết cấu nghệ thuật rõ ràng hoàn thiện, đều đã hòa trộn mật thiết nhân tố thần tính và nhân tố nhân tính…Nhưng mà vì loại hình văn học không giống nhau hình thành nên sự có những điểm nhìn khác nhau cuối cùng hình thành nên khuynh hướng thẩm mĩ và phong cách nghệ thuật khác nhau, Sinh dân thơ tự sự có điểm nhìn khách quan, bên ngoài, lấy ngữ điệu trần thuật để kể về cuộc đời của Hậu Tắc. Hình tượng Hậu Tắc, tuy trong tác phẩm có yếu tố thần kì  nhưng đó là từ sự thực lịch sử khách quan bày bố thêm, không giống với sự vận dụng một cách tự giác các yếu tố thần thoại truyền thuyết làm đề tài để mong muốn hình thành nên phong cách lãng mạn thần bí. Trong thơ tuy đã biểu đạt được tình cảm, lí tưởng và nguyện vọng của bản thân tác giả nhưng đó là “sự vô ý thức tập thể” tự hình thành trong quá trình phát triển của tình tiết tác phẩm, không giống nhà thơ trữ tình dùng trí não mang đến tính cá thể và tính tự giác. “Li Tao” tuy là dựa vào số phận của một con người và tình cảm hiện thực của nhà thơ, lại không hoàn toàn đồng nhất với thực tế cuộc sống của nhà thơ Khuất Nguyên. Như Lưu Hiệp nói “những điều Khuất Nguyên nói về Hậu Nghệ, Quá Kiên, Hai Diên đều không phù hợp với Tả truyện, nói chuyện núi Côn Lôn, đình Huyền Phố là điều các kinh không chép, nhưng lời văn hoa lệ làm chủ của các nhà từ, phú” , chính là nhận xét về những yếu tố phi hiện thực của văn chương, khác biệt với góc độ văn học hiện thực của Kinh Thi.
Về câu thức, Kinh Thi lấy thể 4 chữ làm chính trong khi Li Tao sử dụng hình thức thơ 6 chữ là chủ yếu (không tình ngữ khí “兮” trong đó). Tuy nhiên, thơ 4 chữ Kinh Thi cứ hai câu thơ mới có 1 động từ, cấu thành một câu tự nhiên có ý nghĩa hoàn chỉnh, trong “Li Tao” thì cứ một câu thơ là có một động từ và tạo thành một câu tự nhiên. Vì thế, nếu nhìn từ một câu thơ thì hình thức câu của Li Tao dài hơn, nhưng nếu xem từ ý nghĩa hoàn chỉnh của từng câu thì Li Tao lại dùng chữ ít hơn.  Về tiết tấu trong câu, kết cấu thơ 5, 6  chữ đã phá vỡ hình thức 2/2 đơn điệu của thơ 4 chữ, biến hóa phong phú hơn, hoạt bát hơn. Thơ 5 chữ đa phần là 3/2, nhưng cũng có 2/3.
Đặc biệt, sự vận dụng chữ “兮” có thể nói là đã trở thành một đặc trưng nghệ thuật của Li Tao. Ngữ khí từ “兮” giống như “a” ngày nay, trong một số bài Kinh Thi đã có sử dụng, nhưng số lượng ít, phương pháp sử dụng đơn giản, và có thể thay thế chữ “兮” với các ngữ khí từ tương đương như “hĩ”, “chỉ”, “tư”, “dã”, “kì”…Chữ “兮” trong Li Tao đã được sử dụng có quy luật, đặt giữa hai câu, là dấu viết còn lại của thể ca.. Chữ hề trong Li Tao, và có tác dụng biến đổi tiết tấu, tạo nhịp điệu cho nhẹ nhàng linh hoạt, có tác dụng biểu tình đạt ý
Nếu như nói, sinh dân vói 8 chương 72 câu có thể xem là một trong những tác phẩm dài nhất trong Kinh Thi, vậy thì “Li Tao” với toàn bài 374 câu với 2477 chữ thì không còn nghi ngờ gì nưa đó là tác phẩm dài nhất của Sở từ. Li Tao đã tiếp nhận đỉnh cao nhất thơ trữ tình trong lịch sử văn học Trung Quốc, dung lượng đó chưa có tác phẩm trữ tình nào có thể vượt qua. Độ dài của bài này vượt xa so với sinh dân là tình cảm cảm xúc tràn trề hơn so với sinh dân. Về cơ bản trình độ ngôn ngữ và hình thức văn thể đã đạt đến trình độ cao. Thể hiện ý tức thẩm mĩ tự giác và nghệ thuật thiên tài của thi nhân.
Về nghệ thuật, Li Tao đã tiếp thu phú, tỉ, hứng của Kinh Thi và đưa nó phát triển đến một trình độ mới. Đặc biệt thủ pháp tỉ đã được mở rộng để thể hiện tấm lòng trung trinh của tác giả với quân vương. Có thể nói toàn tác phẩm luôn sử dụng phương thức đối xứng, bằng cách so sánh trực tiếp hay gián tiếp, thông qua những hình ảnh bóng bẩy, cũng như các quan hệ thân thuộc vợ chồng để nói đền quan hệ giữa kẻ  bề tôi với bậc quân vương, và thể hiện nỗi phẫn uất khi tín mà bị nghi ngờ, trung mà bị ruồng bỏ.
Bên cạnh Kinh Thi, Li Tao còn tiếp nhận những yếu tố trong không gian văn hóa nước Sở. Trước hết, dễ nhận thấy đó chính là Li Tao được làm  bằng phương ngôn nước Sở, cho nên có thể chắc chắn rằng tiết tấu nhịp điệu của tác phẩm có mối quan hệ chặt chẽ với ngữ âm đất Sở.Việc Khuất Nguyên sử dụng phương ngôn nước Sở đã tăng cường tính hình tượng và tính sinh động của thi ca. Tiếp đó là những ảnh hưởng của ca dao dân gian nước Sở, có thể nói Cửu ca là nguồn gốc trực tiếp của yếu tố lãng mạn trữ tình của Li Tao. Cửu Ca đã cung cấp hai hình ảnh nghệ thuật nổi bật trong Li Tao là hương thảo và mĩ nhân, hai hình ảnh này có mối quan hệ trực tiếp với phong tục “tin vu thuật, trọng tế tự một cách thái quá” của nước Sở. Chính khi biên soạn Cửu ca một bài tế lễ dân gian đã tác động đến thủ pháp xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm. Đó là lí do tại sao trong thời kì ở phương Bắc Kinh Thi đang có ảnh hưởng rất mạnh mà Khuất  Nguyên lại sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn.
Như trên đã phân tích, Li Tao đã tiếp thu và phát triển những thành tựu của văn học dân gian là Kinh Thi và  ca dao nước Sở. Khuất Nguyên là một trong những người mở đầu cho nền văn học viết của Trung Quốc, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức trong sáng tác văn học. Trong Li Tao , hình tượng nhân vật trữ tính cao ngạo, thanh khiết, căm nghét bọn dốt nát, xu nịnh và một thái độ kiên quyết nguyện chết vì lí tưởng về sau trở thành một biểu trưng cho tấm lòng trung trinh của các nhà Nho. Bên cạnh đó là những đóng góp về tư tưởng như “mĩ chính”, tiến bộ phù hợp với sự phát triển của lịch sử. Về mặt hình thức, Li Tao đã mở đầu đầu cho sự trải rộng dung lượng của tác phẩm, là tiền đề cho sự ra đời và phát triển huy hoàng thời Hán.
Đặt Li Tao  trong mối quan hệ tuyến tính với Kinh Thi, ca dao nước Sở và văn học thời Tần Hàn giúp ta hình dung được địa vị của Li Tao trên tiến trình lịch sử văn học Trung Quốc. Chính nhờ tiếp thu các yếu tố dân gian cũng như đưa nó lên một trình độ mới, Li Tao đã góp phần nâng địa vị của Sở từ và tên tuổi của Khuất Nguyên và trở thành ngọn nguồn của thơ ca lãng mạn Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment