Thao tác lập luận so sánh trong đề nghị luận văn học thi THPT Quốc Gia
***
Thao tác lập luận so sánh thường được sử dụng trong các dạng bài so sánh Văn học, tuy nhiên dạng bài này chưa được định hình để giảng dạy riêng khiến nhiều học sinh gặp khó khăn.
Với dạng bài so sánh văn học, việc sử dụng thao tác lập luận so sánh là cần thiết, tuy nhiên do chưa có trong chương trình giảng dạy nên nhiều giáo viên còn ngần ngại khi truyền đạt cho học sinh.
Thông thường trong đề thi THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn, một số dạng đề so sánh sẽ xuất hiện như so sánh hai đoạn thơ, so sánh hai đoạn văn, so sánh hai nhân vật, so sánh phong cách tác giả, so sánh hai lời nhận định về một tác phẩm.
Đứng trước một đề Văn thường có nhiều cách triển khai, giải quyết vấn đề, tuy nhiên đối với dạng đề so sánh văn học, thường có hai cách làm cơ bản: hoặc phân tích theo dạng nối tiếp, văn bản này đến văn bản khác rồi so sánh, hoặc tìm ra các điểm giống và khác nhau rồi thực hiện phân tích từng luận điểm.
Cách 1: Phân tích theo kiểu nối tiếp
Đây là cách làm an toàn và quen thuộc với học sinh khi triển khai dạng đề này. Đầu tiên, lần lượt phân tích từng đối tượng cả về phương diện nội dung và phương diện nghệ thuật sau đó chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau.
Với cách làm này học sinh có thể triển khai kiến thức rõ ràng, không bị trùng lặp ý.
Thông thường, mô hình bài viết dạng này thường được phát triển theo dạng như sau:
Mở bài: Dẫn dắt, khái quát về các đối tượng so sánh
Thân bài: Làm rõ đối tượng so sánh thứ 1 (sử dụng nhiều thao tác trong đó chủ yếu là thao tác lập luận phân tích)
Làm rõ đối tượng so sánh thứ 2 (Cũng sử dụng thao tác lập luận phân tích)
So sánh nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên tất cả các bình diện như: chủ đề, nội dung, hình thức nghệ thuật (sử dụng chủ yếu thao tác lập luận phân tích và so sánh).
Lý giải sự khác biệt: Căn cứ vào các bình diện: bối cảnh xã hội, văn hóa của từng đối tượng, đặc trưng thi pháp của thời kỳ văn học.
Kết bài: Nêu khái quát những nét giống và khác nhau của hai đối tượng được đề cập, có thể đưa vào một số cảm nhận cá nhân cho bài viết.
Cách 2: Phân tích theo dạng song song
Cách làm này đòi hỏi học sinh cần có tư duy lập luận logic và có khả năng phát hiện vấn đề.
Mô hình này có thể triển khai cách viết như sau:
Mở bài: Giới thiệu các vấn đề, khái quát các vấn đề so sánh
Thân bài: Đưa ra điểm giống nhau và khác nhau, sau đó lập luận phân tích từng luận điểm
Kết bài: Khái quát những nét giống nhau và khác nhau cơ bản, lồng ghép cảm nghĩ của bản thân vào bài viết.
Trên đây là 2 gợi ý cách làm bài, tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào cũng có thể áp dụng phương pháp này mà phải vận dụng sao cho linh hoạt và phù hợp.
No comments:
Post a Comment