SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO
TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC GIANG
|
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC DH&ĐBBB
NĂM HỌC
2012-2013
|
(Đề thi gồm có 01 trang)
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
|
MÔN: VĂN - LỚP 11
Thời gian làm bài: 180 phút
|
Câu 1 (8 điểm): Suy nghĩ về câu nói sau:
Đường đời không chỉ có một lối đi
Câu 2 (12 điểm):
Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con
đường riêng của mình. Nhưng… tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì
cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản.
Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương
nhân bản mênh mông.
(Lã Nguyên, Nguyễn Minh Châu và những trăn trở trong đổi mới tư duy nghệ thuật/ Nguyễn Minh Châu – về tác gia và tác phẩm;
NXB GD; Hà Nội; 2007; trang 395)
Anh (chị) hiểu nhận định trên như thế
nào? Làm sáng tỏ qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Chí Phèo” của
Nam Cao.
…………………………………Hết…………………………………
SỞ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC GIANG
(Hướng dẫn chấm gồm có 04 trang)
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ XUẤT
|
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC DH&ĐBBB
NĂM HỌC
2012-2013
MÔN: VĂN - LỚP 11
|
|
Thời gian làm bài: 180 phút
|
Câu 1 (8
điểm): Đường đời không chỉ có một lối đi
1. Giải thích (2.0 điểm)
- Lời khẳng
định ở chỗ: không chỉ có một lối đi;
đã nhấn mạnh: có nhiều lối đi trên đường đời – con đường cuộc đời mỗi người.
Cuộc đời nhiều ngã rẽ, nhiều nẻo đường; mỗi con đường dẫn đến những mục tiêu khác nhau. Có con đường thẳng,
phẳng phiu, có con đường chông gai, gồ ghề, trắc trở, gập ghềnh; có nhiều ngả
đường dẫn đến đích; vấn đề lối đi nào ngắn nhất, thông minh nhất, đạt mục tiêu
sớm nhất thì còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người.
- Câu nói đặt
ra vấn đề lựa chọn đường đi trên đường đời của con người.
2. Bình luận (5.0 điểm)
- Đây là vấn
đề rất quan trọng đặt ra với mỗi người, nhất là những người sắp bước vào đời,
đang lựa chọn đường đi cho cuộc đời mình. Tại sao trên đường đời lại có nhiều
lối đi? Bởi con đường là do con người tạo ra, người ta đi mãi thành đường. Con
đường kết nối những điểm trong không gian, cũng là cái đích cần tới của con
người. Tạo ra nhiều con đường cũng tức là tạo ra nhiều cách đi đến đích, tạo ra
nhiều sự lựa chọn cho con người.
Ví dụ để lập
nghiệp lập thân với thanh niên có nhiều con đường: Ngày xưa để lập nghiệp người
con trai có thể trên con đường lập đức hành đạo, lập công, hay con đường lập
ngôn. Có người lựa chọn con đường công danh, người chọn con đường văn chương
nghệ thuật, con đường võ nghệ... Thời
đại cách mạng cũng mở ra nhiều con đường với người thanh niên Việt Nam thế kỉ 20.
Có người lựa chọn đúng đắn con đường của mình; nhưng không ít người lầm đường
lạc lối. Lựa chọn con đường sáng – tối, đen – trắng, phải – trái là cả vấn đề
nhân cách và ý chí của con người. Ngày nay cũng vậy, có nhiều con đường: học
tập thành danh, lao động sản xuất, kinh doanh công nghệ, văn nghệ thể thao… và
trên con đường nào cũng có người thành danh nổi tiếng.
- Nhưng lưạ
chọn con đường đi nào tùy thuộc vào mỗi người: mục tiêu, ước mơ, khát vọng, ham
muốn, hay bản lĩnh, ý chí của con người. Có người chọn đường đi trên đường đời
đúng đắn, đi đến đích nhanh chóng dễ dàng? Có người lựa chọn sai con đường của
mình dẫn đến những sai lầm đổ vỡ?
- Vấn đề đặt
ra: có nhiều con đường đi trên đường đời đến đích, vậy nên con người không nên
bi quan chán nản mỗi khi vấp ngã trên đường đời. Có những lúc băn khoăn, chao
đảo, đứng ở ngã ba cuộc đời nhiều lối rẽ, không biết đi con đường nào. Lúc ấy hãy
tỉnh táo nhận ra con đường đi của riêng mình và quyết tâm dấn bước, đó là điều
tiên quyết để lập thân lập nghiệp với mỗi người, nhất là người thanh niên. Và phải
chọn được con đường của riêng mình, không nên dẫm lên vết chân người đi trước.
- Phê phán
những người hèn yếu, không biết chọn đường đi trên đường đời, hoặc chọn con
đường sai lầm hại dân hại nước, hại nhà hại mình; hoặc bỏ cuộc, đầu hàng số
phận.
3. Bài học và liên hệ (1.0 điểm)
- Nhận thức
được những ngã rẽ cuộc đời, con đường đúng đắn để đi.
- Quyết tâm
thực hiện con đường mình đã lựa chọn, không bỏ dở con đường; có nghị lực bản
lĩnh vượt qua mọi trở ngại trên đường đời nhiều chông gai trắc trở; biết chống
lại những cám dỗ trên đường đời, biết tránh những xấu xa trên con đường để đi
đến đích.
Câu 2 (12
điểm):
1. Giải thích: (4.5 điểm)
a. Mỗi nghệ sĩ… riêng mình (1.5
điểm)
Câu nói đề
cập đến cách tiếp cận, cắt nghĩa, lí giải đời sống bằng văn chương của mỗi
người nghệ sĩ: mỗi người có con đường của riêng mình. Vì sao?
+ Vì đời sống
là đối tượng khám phá của NT, của văn chương. Cuộc đời là nơi xuất phát của văn
học.
+ Đứng trước
HT cuộc sống phong phú, mỗi nhà nghệ sĩ có những cảm xúc, suy ngẫm, lí giải
khác nhau, lựa chọn những mảng đề tài khác nhau, cách xử lí đề tài khác nhau để
đặt ra những vấn đề khác nhau. Và đó là con đường riêng họ tạo ra cho mình. Đó
cũng là yêu cầu xuất phát từ đặc trưng của VHNT: lĩnh vực của sự sáng tạo. Đó
cũng là lương tâm, là trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ. Nam Cao tâm niệm: “Văn
chương không cần những người thợ khéo tay…”.
Nếu không tạo
ra con đường riêng của mình thì sao? Tác phẩm của họ sẽ trở thành sự sao chép,
sẽ chết, sẽ dẫm lên vết chân của người đi trước. Nghĩa là nó sẽ chẳng mang đến
chút gì mới lạ cho văn chương.
Tác dụng: Tạo
ra con đường riêng của mình người nghệ sĩ sẽ tạo ra sự đa dạng trong sáng tạo
nghệ thuật, khẳng định sức sống của mỗi tác phẩm, vị trí, phong cách của nhà
văn, cái lí để nhà văn đứng được với cuộc đời.
Có thể lấy ví
dụ: Cùng một đề tài, cách xử lí khác nhau ở các nhà văn.
b. Tư duy NT…. quy luật
chân thiện mĩ, quy luật nhân bản (1.5 điểm)
Đây là vấn đề đổi mới
tư duy nghệ thuật – một vấn đề đặt ra như một nhu cầu bức thiết, sống còn của
nghệ thuật. Nhà văn luôn phải tự làm mới mình góp phần đổi mới nghệ thuật. Đổi
mới cái gì? Đổi mới đề tài, chủ đề, cảm hứng, văn phong… Quan trọng là đổi mới
tư duy, cách nhìn nhận của nhà văn trước cuộc đời.
Nhưng mọi sự đổi mới đều không vượt ra ngoài
quy luật chân, thiện, mĩ. Cái chân, cái thiện, cái mĩ, cái nhân bản vẫn là cái
đích hướng đến của mọi khám phá, sáng tạo nghệ thuật. Quy luật chân thiện mĩ,
nhân bản giống như sợi dây neo giữ, là giới hạn mà bán kính sáng tạo nhà văn quay chiều nào cũng không thể vượt
qua. Nói cách khác, nó cũng là một tâm điểm của mọi khám phá sáng tạo nghệ
thuật.
Văn học sở dĩ
là nhu cầu, là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người, vì nó là lĩnh
vực đáp ứng nhu cầu sống của con người. Văn học có nhiều chức năng (nhận thức,
giáo dục, thẩm mĩ, dự báo, giải trí…); có nhiều quan niệm cổ kim đông tây,
nhưng điểm giao thoa gặp gỡ vẫn cứ là cái chân - thiện - mĩ, những vấn đề mang
tính nhân bản nhân văn của đời sống con người. Cái chân, là muốn nói đến chức
năng nhận thức của văn học; văn học phải chân thực. Cái thiện là nói đến chức
năng giáo dục, cảm hóa của văn học. Cái mĩ, là nói đến chức năng thẩm mĩ, chức
năng cơ bản nhất, chất keo kết dính các chức năng khác. Khi đạt tới chân thiện
mĩ là văn học đạt tới chiều sâu nhân bản, hướng về con người, vì con người.
c. Sứ mệnh nhà văn chân chính… đại dương nhân bản
mênh mông (1.5 điểm)
Đây là vấn đề
trăn trở của nhiều cây viết. Chữ dùng có thể khác nhau, nhưng thực chất vẫn là
một. Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Tuân và nhiều nhà văn khác có những phát biểu
về vấn đề này. Đó là vấn đề cái tâm của người cầm bút. Ở đây người nói đặt vấn
đề: “khơi nguồn dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông” – ý tưởng
độc đáo. Mọi dòng sông đều đổ về biển
rộng, cũng như mọi khám phá sáng tạo đều có đích hướng về, những vấn đề thuộc
về con người, nhân sinh, nhân bản. Bởi lẽ, con người là một trung tâm khám phá
của văn học nghệ thuật. Văn học có thể viết về mọi vấn đề của đời sống, mọi
hình thức sáng tạo, nhưng đều hướng tới là để đặt ra và cắt nghĩa những vấn đề
của nhân sinh. Văn học chân chính phải là thứ văn chương vị đời, nhà văn chân
chính phải là nhà văn vì con người, tác phẩm mới đạt tới tầm nhân bản.
2. Chứng minh qua một vài tác phẩm (6.0
điểm)
- Cách đến
với cuộc sống của Thạch Lam qua truyện “Hai đứa trẻ”: Chuyện một phố huyện
buồn, những đứa trẻ nghèo với tâm hồn nhân ái, giàu mơ ước. Qua đó nhà văn đặt
ra nhiều vấn đề sâu sắc mang tính nhân văn, nhân bản: vấn đề khát vọng sống của
con người; vấn đề quyền được sống của trẻ em; vấn đề số phận con người và khát
vọng đổi thay cuộc sống… Tác phẩm lấp lánh tư tưởng nhân văn theo cách viết của
Thạch Lam (3.0 điểm).
- Cách đến
với cuộc sống của Nam Cao qua truyện “Chí Phèo”: Chuyện về số phận bi thảm của
người nông dân, về khát vọng lương thiện của con người – quỷ dữ. Dù đến muộn
trên văn đàn, nhưng Nam Cao vẫn tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc
chính nhờ hướng khám phá và phát hiện đời sống của riêng mình. Chí Phèo sở dĩ
trở nên bất hủ chính nhờ tài năng và tâm huyết cũng như phong cách của Nam Cao.
- Cả hai tác
phẩm đều chạm tới vấn đề mang tính nhân văn, nhân bản: khám phá vẻ đẹp con
người, chất người, tức là đạt tới chân thiện mĩ… Tuy nhiên mỗi tác giả trong
mỗi tác phẩm lại có những khám phá nghệ thuật riêng, hướng đi riêng; làm nên
giá trị riêng cho mỗi tác phẩm và khẳng định vị trí của mỗi nhà văn trong nền
văn học (3.0 điểm).
3. Kết luận (1.5 điểm): khẳng định vai trò của hướng đi riêng trong khám phá sáng
tạo; đặc biệt là cái đích muôn đời của văn chương.
Trên đây chỉ là những
gợi ý có tính chất định hướng. GV cần căn cứ trên bài viết cụ thể để chấm điểm
cho sát hơn. Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Người ra đề: Trần Thúy Hoàn, GV THPT
Chuyên Bắc Giang
No comments:
Post a Comment