Saturday, February 24, 2018

Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử có tên thật Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22 tháng 9, năm 1912. Quê Mỹ Lệ, Đồng Hới, thuộc địa phận Quảng Bình.
Khi còn học trường Qui Nhơn ông đã tập làm thơ Đường luật lấy bút hiệu là Minh Duệ Thị. Đến năm thứ ba, gia đình gởi ông ra Huế học tại trường nhà dòng Pellerin, chính nơi đất Thần, Kinh đô ,non nước hữu tình đã khai mở hồn thơ và óc sáng tác để sau này Nguyễn Trọng Trí trở thành một thi nhân tài hoa.
Nguyễn Trọng Trí đăng thơ trên báo Phụ Nữ Tân Văn, với bút hiệu Phong Trần. Khủng hoảng kinh tế tại Đông Dương kéo theo sự sa sút của gia đình ông không còn điều kiện tiếp tục học. Nguyễn Trọng Trí phải nghỉ học đi làm cho Sở Đạc Điền, sau đó ông bị bệnh rồi mất việc. Vào Sài Gòn làm báo lấy bút hiệu Lệ Thanh (tên làng Mỹ Lệ, Tân Thanh ghép lại) ông đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ của một câu lạc bộ thơ, bút hiệu Lệ Thanh nổi tiếng từ đó.
Năm 1936 ông mới đổi bút hiệu là Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc theo Hán tự có nghĩa là “Rèm Lạnh”. Người bạn thân cận nhất của ông là thi sĩ Quách Tấn góp ý:
“Tránh kiếp “Phong Trần” làm khách “Hồng Nhan” (Lệ Thanh) mà lại núp sau “Rèm Lạnh” (Hàn Mạc)… Đã có “Rèm Lạnh” thì nên có thêm một bóng nguyệt nữa mới thật nên thơ.” Thế là Trọng Trí đồng ý ngay, cầm bút vạch thêm một vành trăng non trên chữ Mạc, từ đó có bút hiệu Hàn Mặc Tử. Mặc Tử không còn nghĩa “Rèm Lạnh” nữa, mà có nghĩa là “Bút Mực” (Hàn: Bút, Mặc: Mực) hiểu theo nghĩa bóng là “Văn Chương”. Như vậy, ba chữ bút hiệu Hàn Mặc Tử có nghĩa là người “Khách Văn Chương”. Từ đó Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử vẫn là ông.
Lớn lên tại đất Qui Nhơn, thi nhân đem lòng thương yêu một giai nhân tên Hoàng Thị Cúc, và đây là mối tình đầu tiên, đẹp đẽ vì là tình yêu một chiều, nhiều mộng mơ đã cho ông có những “ bản tình ca lãng mạn “ để lại trong thi ca của ông nhiều nhung nhớ, khổ lụy tình si :
“Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê”
Hay:
“Em ơi ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại !
Hứng lấy hương nồng trong áo em”
Là một trong năm thi nhân nổi bật nhất thời bấy giờ tại đất Qui Nhơn gồm: Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên và Yến Lan. Trong tình bạn thân thắm thiết, Bích Khê, giới thiệu cho Hàn Mạc Tử cô cháu kêu mình bằng cậu là Phạm Thị Nghệ – một thiếu nữ có nhan sắc xinh đẹp mà sau này hai người thân thiện và yêu thương nhau. Hàn Mạc Tử thi vị hóa đặt tên người yêu thành “Mộng Cầm”.
Chính Mộng Cầm tạo nên nguồn cảm xúc, trong hồn thơ Hàn Mạc Tử lúc say sưa khi yêu đương say đắm, rồi buồn khổ, sầu vơi và cả nỗi lòng bao xót xa, ngậm ngùi:
“Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ.”
Tình đắng cay, đau thương , éo le, trắc trở :
“Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi !
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi !”
Khổ sở đến thiểu não với lời thơ than thân trách phận :
“Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ sỉ”
Những năm 1938 – 1939, thi sĩ đau đớn dữ dội bởi bệnh tật, nhưng trước mặt bạn bè, chàng cố kìm nén. Chàng chỉ gào thét trong thơ:
“Trời hỡi! bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si”.
Lúc này, sau một thời gian chữa chạy bằng đông y, chẳng những căn bệnh phong cùi không thuyên giảm chút nào mà ngược lại còn làm thân thể Hàn Mạc Tử ngày một tiều tụy đi vì những tác dụng phụ của thuốc. Mặt khác, thông tin về việc Hàn Mạc Tử bị mắc bệnh phong đã đến tai chính quyền địa phương. Do đó, Hàn Mạc Tử phải liên tục thay đổi chỗ ở để tránh sự truy đuổi gắt gao của Sở Vệ sinh công cộng thành phố Quy Nhơn. Cuối cùng, gia đình tìm thuê cho Hàn Mạc Tử được một nơi ở khá kín đáo trong khu lao động nghèo nằm bên cồn cát trắng ven biển. Đó là một túp lều tranh mà theo Hoài Thanh kể là rách nát đến độ phải lấy giấy báo và bao thư che những chỗ dột trên mái nhà.
Trong thời kỳ bệnh tật, Hàn Mạc Tử sáng tác được ba tập thơ là Thơ điên, Xuân như ý và Thượng thanh khí. Nhưng có điều đặc biệt là, những câu thơ cứ tiến dần đến chỗ rối rắm khó hiểu theo tiến triển bệnh tật. Nhiều câu thơ đọc lên nghe rất hay nhưng hầu như không ai hiểu nhà thơ muốn nói gì.
Tuy nhiên, điều lạ lùng là dù rối rắm khó hiểu như thế nhưng thơ Hàn Mạc Tử được người đời chuyền tay nhau đọc thuộc lòng, đọc như đọc kinh, không hiểu gì cũng đọc thuộc làu làu. Như thể thơ có ma lực.
Hoài Thanh cũng xác nhận điều lạ lùng này: “Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mặc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mặc Tử đâu phải chuyện dễ. Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu, bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ”.
Thơ của Hàn Mạc Tử không chỉ làm thích thú những cô cậu học sinh trung học vốn mơ mộng mà còn lan tỏa ra nhiều giới khác. Và thật đáng ngạc nhiên, nó còn lay động đến cả giới tu hành. Có một nữ tu trẻ đẹp chừng mười bảy mười tám tuổi ở ngôi chùa Liên Tôn gần đó, vì ái mộ thơ Tử nên đã không ngần ngại căn bệnh phong cùi gớm ghiếc, ghé vào căn chòi để thăm chàng. Về sau chàng đã đưa ni cô vào trong thơ của mình với những tình cảm khá đặc biệt.
Một điều nữa, không những “ma lực” có ở trong lời thơ Hàn Mạc Tử mà còn nằm trong chính con người thi sĩ. Yến Lan kể: “Nếu ai đã có lần nghe anh ngâm thơ thì mới cảm thấy hết cái cảm giác kỳ lạ lần đầu bắt gặp: nôn nao, nôn nao. Và cộng với lời thơ, gây nên một không khí mông lung. Chúng tôi như bị dồn vào thế giới nào có suối, có đồi, có bóng dáng những cuộc hành hương, và nhạc điệu cung văn, đồng bóng”.
Hàn Mặc Tử đã đắm mình trong cái không gian vừa đau thương vừa bay bổng đó để làm ra những vần thơ khiến người đời say đắm cho đến lúc chàng phải bước chân vào trại phong Quy Hòa ngày 20/9/1940.
Người thiếu nữ Mai Đình con gia đình quyền quý, khá giả đã cãi lời cha mẹ đem lòng yêu những bài thơ tình Hàn Mạc Tử, yêu tâm hồn thi nhân rồi quyết một lòng yêu người thi sĩ mắc bệnh nan y phong cùi. Mai Đình – Người con gái nhân hậu đã xin được làm vợ để săn sóc, Hàn Mạc Tử mặc dù ông từ chối, nàng vẫn ở bên cạnh lo thuốc thang…
“Em đã yêu anh đến dại người
Lòng em ngày tháng dễ nào nguôi
Yêu anh trên hết tình yêu mến
Và sẽ yêu anh suốt một đời”
Nàng không hề gớm chứng bệnh nan y của chàng, mà con tình nguyện chăm sóc người yêu. Trên đời dễ mấy ai bao dung như vậy nhỉ ?:
“Yêu anh trong lúc anh lâm chung
Mới thấy tình em yêu lạ lùng
Rải khắp bầu trời kia chưa lấp
Mong anh lành mạnh mới đáng công”
Hàn Mạc Tử cũng rất yêu Mai Đình trong thơ văn của ông Mai Đình là tất cả :
“Mai của anh, chiều phong vận xinh xinh.
Say một nửa và thơm một nửa.

Đây Mai Đình, tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt,
Nàng! Ôm nàng ! Hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!
Ta là người uống muôn hận sầu cay
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật”
Bằng cả những nỗi khát khao gần gũi và của nhục dục ham muốn yêu đương thể xác:
“Mai! Mai! Mai! Là Nguyệt Nga tái thế.
Tình rất nặng và nghĩa đầy lượng bể,
Tôi ôm nàng, muốn cắn chết nàng đi!
Bao não nùng sầu hận trong mê ly
Anh thấy rõ rằng anh đang trơ trọi.
Em xa quá, biết làm sao nhắn với ?
Anh đưa lòng cho tới huyệt lòng em!
Mai! Ôi Mai, là em vẫn còn nguyên,
Hay đã chết như tình anh đã chết ?”
Khi bị cơn ác mộng của căn bệnh nan y bám trên người mình, Hàn Mạc Tử từ chối không gặp Mai Đình vì tủi cho thân phận ghê gớm của mình :
“Tôi thích nép người bên cánh cửa
Hé nhìn dáng điệu của người yêu
Bước đi ngượng nghịu trên đường cái
Mỗi lúc ngang qua trước mặt lều”
Một giai nhân khả ái khác mà Hàn Mạc Tử đem lòng yêu thương mang tên ngộ nghĩnh, tên thật dễ mến là “Thương Thương”. Thương Thương chỉ là cái bóng bé nhỏ dịu dàng từ xa xôi mà Hàn Mạc Tử chưa dịp diện kiến,
Do mối tình ảo mộng với nàng Thương Thương đã khiến cho Hàn Mạc Tử sáng tác ra hai vở kịch bằng thơ này nữa. Đó là “Duyên Kỳ Ngộ” và “Quần Tiên Hội”. “Duyên Kỳ Ngộ” nói về là một thiên đường tình ái trong mơ, Hàn Mạc Tử vẽ một bức tranh thuỷ mạc tuyệt mỹ yêu thương với nàng Thương Thương chỉ có trong ước mơ của thi sĩ
Trong đời người , ai đã va chạm một lần với cái chết khủng khiếp, trong mê cuồng và thét gọi điên đảo bấu víu vào đời sống này một cách vừa bi thảm vừa run sợ. Ít nhất là như thế… mới cảm thông với một người trải nhiều ác mộng, luôn thấy bàn tay lông lá của tử thần vương đến chụp xuống đầu cổ, vò bóp xương da. Cuộc chiến đấu bất lực của con người với định mệnh ác nghiệt, cuộc chiến giữa thể xác tanh hôi ghì kéo linh hồn chìm ngập trong đó, và ý chí thì bay vượt lên, điểm linh hồn với cõi trú ngụ mông lung mù mịt của thế giới trăng sao huyền hoặc của thơ Hàn Mạc Tử.
Thơ Hàn Mặc Tử không nên đọc trong lúc bình tĩnh vì nó sẽ dẫn ta vào chơi vơi hoang đảo, hít làn tinh khí trăng sao, của hoa trái thanh tân, nhìn thấy ngất trời tinh đẩu, với nỗi đau đớn lạ thường, cảm giác lạnh tê. bởi vì thơ người quá ư tràn trề ánh sáng ma quái, nhưng lúc tắm trong vùng ánh sáng nọ, thoắt nó lại biến mất… lúc ta ngỡ thơ chàng là ánh sáng thái dương thì thơ chàng lại là vầng trăng thiên cổ…
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”
“Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào trăng
Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn
Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng.
Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.
Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào bíêt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm ôm trăng vỡ
Khóc thương thân bơ vơ, cho đến một buôỉ chiều kia
Trơì đất như điên cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu ?
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi chăng…”
Đó là bài ca về thi nhân Hàn Mạc Tử. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã giúp nhiều độc giả hiểu rõ thêm những áng thơ bất hủ và chuyện tình thương tâm của nhà thơ – Một nhà thơ tài năng và bất hạnh.
GÁI QUÊ
Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em
Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm.
Từ lúc tóc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt
Một vẻ thơ ngây và ước ao.
Lớn lên em đã biết làm duyên,
Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng
Nghe nói ba em chưa chịu nhận
Cau trầu của khách láng giềng bên
BUỒN THU
Ấp úng không ra được nửa lời,
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi mất.
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi…
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ lúc buồn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt đã vơi
UỐNG TRĂNG
Bóng hằng trong chén ngả nghiêng,
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình.
Gió đùa mặt nước rung rinh,
Lòng ta khát tiếng chung tình từ lâu.
Uống đi cho đỡ khô hầu,
Uống đi cho bớt cái sầu miên man.
Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga
ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?
MÙA XUÂN CHÍN
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Thổn thển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
“- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?…”
ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem người giải nghĩa yêu.
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được!
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng…
Trước khi trở thành nhà thơ nổi tiếng, Hàn Mặc Tử từ nhỏ đã tìm hiểu về thơ thất ngôn bát cú, thấy các cụ làm theo thể “thuận nghịch độc” (đọc xuôi, đọc ngược đều có ý nghĩa) thì khoái lắm. Và Hàn Mặc Tử đã làm một bài lấy nhan đề “Cửa sổ đêm khuya”. Bài thơ như sau:
“Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh thêm buồn nỗi vấn vương
Tha thiết liễu in hồ gợn sóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn thơ ngâm rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hoà đàn sẵn có dế bên đường”.
Nếu đọc ngược thơ vẫn rõ ý mà vẫn bảo đảm niêm luật.
“Tường bên dế có sẵn đàn hoà
Lá ủ dâu ngàn yến lại qua…”
Đấy là 2 cách. Cách thứ ba, thứ tư là bỏ hai chữ đầu mỗi câu thành bài thơ ngũ ngôn, cũng đọc xuôi, đọc ngược đều được:
“Nguyệt rọi cửa lồng gương
Buồn thêm nỗi vấn vương…”
Còn nếu bỏ 2 chữ cuối mỗi câu lại thành bài thơ mới cũng đọc xuôi, đọc ngược đều được: “Hoa cười nguyệt rọi cửa”…
Đọc ngược lại, thơ cũng thấm đượm tình bạn xa nhơ nhau:
“Dế có sẵn đàn hoà
Dâu ngàn yến lại qua
Rượu ngâm thơ vắng bạn
Tình cảnh nhớ người xa…
Gió thoảng mai hờ hững
Hồ in liễu thiết tha
Nỗi buồn thêm cảnh lạ
Cửa rọi nguyệt cười hoa”
Thật là một tài thơ được phát lộ từ rất sớm.
Hàn Mặc Tử

No comments:

Post a Comment