Wednesday, January 31, 2018

ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ

Đề 1: Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”. Ý kiến của em về câu nói trên?
Bàn về vẻ đẹp của tình mẫu tử, Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”. Câu nói của Bersot đã ca ngợi và khẳng định tình cảm thiêng liêng trong trái tim của người mẹ dành cho con trong cuộc đời. Chúng ta hiểu câu nói trên như thế nào?
Kỳ quan có thể là một công trình kiến trúc hoặc cảnh vật đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy. Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan” có nghĩa cái đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy (ở những công trình kiến trúc hay cảnh vật tự nhiên) là không ít, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim người mẹ. Trái tim người mẹ ở đây là tình cảm của mẹ dành cho con. Trái tim người mẹ - trái tim tràn đầy ấm áp, là nơi để ta trở về sau mỗi chuyến đi xa mệt mỏi, là nơi nâng đỡ ta sau mỗi bước đường vấp ngã.
Quả thật như vậy, câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn. Đó là tình yêu thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được. Mẹ là người mang nặng đẻ đau, chăm nuôi con khôn lớn, gần gũi chia sẻ những buồn vui với con, lo lắng, dõi theo con từng bước trong cuộc đời. Mẹ sẵn sàng hy sinh cho con tất cả mà không hề tính toán:
"Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn thương con".
Trong thực tế, người mẹ nào cũng luôn yêu thương con mình. Bởi lẽ, những đứa con chính là món quà vô giá mà Thượng đế ban tặng cho họ. Nhưng không phải người con nào cũng hiểu được sự thiêng liêng vô giá từ tình thương của mẹ. Câu nói của Bersot là lời khẳng định và ngợi ca, tôn vinh sự cao đẹp của tình mẹ.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những bà mẹ bỏ rơi con cái của mình từ khi mới sinh ra, hoặc vì một ham muốn tầm thường, thấp kém nào đó mà lợi dụng con cái của mình. Đó là hiện tượng cá biệt cần phê phán, lên án. Bên cạnh đó cũng thức tỉnh, nhắc nhở nhẹ nhàng những người làm con nào còn vô tâm, bất hiếu với bậc sinh thành ra mình…
Đây là một câu nói hay, sâu sắc và ý nghĩa…về đạo lý ở đời của tất cả những ai là con trên thế gian này với người mẹ của mình. Chúng ta cần phải có những suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực của mình để đáp lại tình cảm thiêng liêng của mẹ đã dành cho con. Mẹ chính là quê hương, là xứ sở, là bến lành để ta trở về sau những ngày tháng đau buồn. Tình yêu của mẹ nâng đỡ ta, chở che cho ta, là bước tựa vững chắc để ta vươn tới với cuộc đời. Trái tim mẹ luôn bao dung, thứ tha cho ta mọi lỗi lầm. Với mẹ, ta luôn là đứa trẻ bé bỏng cần được yêu thương.
=================
Đề 2: M. Farađây có nói: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”. Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Trong sâu thẳm mỗi con người sẵn chứa một tình yêu mãnh liệt. Nó là sức mạnh để cánh chim yêu thương bay cao, bay xa đến muôn phương trời không mệt mỏi, là dòng sông, con suối cuộn chảy về phía đại dương không bao giờ cạn. Tình yêu mang yêu thương, hạnh phúc đến cho mọi người, là thứ cùng với thời gian sẽ không bao giờ biến mất. Nói về vấn đề này, Faraday - nhà hóa học và vật lý học người Anh, đã có công đóng góp cho lĩnh vực Điện từ học và Điện hóa học cho rằng: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”. Chúng ta hiểu câu nói ấy như thế nào?
Tình người là những tình cảm đẹp đẽ của con người, gắn kết những trái tim. Nó có thể là tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, bè bạn, và cao hơn cả là tình người nói chung. Đó có thể là những tình cảm bình dị nhất, gần gũi nhất từ sự quan tâm, chăm sóc nhau trong cuộc sống đến những tình cảm lớn lao hơn mang tính giai cấp, cộng đồng.
Quả thật như vậy, câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn. Nó có tác dụng như một sự nhắc nhở rằng mọi thứ đều có không gian, thời gian nhất định của nó, một quy luật cơ bản là không có điều gì tồn tại mãi mãi. Cuộc sống chỉ tồn tại lâu bền nhất khi được nuôi dưỡng bởi suối nguồn của tình người. Nuôi dưỡng lòng yêu thương là một công việc hết sức thú vị và đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết. Cuộc sống đầy dẫy những nghịch cảnh khó khăn, những trở lực nặng nề... Những điều ấy có thể tạo ra tâm trạng bi quan hay bực dọc trong lòng mọi người, làm ngăn trở sự phát triển của lòng thương yêu. Vì thế, chúng ta phải biết cách che chắn, bảo vệ, không để cho những tâm trạng tiêu cực ấy phát triển. Nếu chúng ta biết chăm sóc và nuôi dưỡng, lòng thương yêu sẽ phát triển tốt và ngày càng trở nên vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn. Chính lòng thương yêu đối với những người thân quanh ta sẽ là chất liệu để nuôi dưỡng chồi non thương yêu. Khi những tình yêu ấy phát triển đủ lớn mạnh, chúng ta sẽ tự tin nhiều hơn trong cuộc sống, sẽ có thể mở lòng yêu thương những người khác một cách dễ dàng hơn và sẵn lòng tha thứ hơn đối với những sự lỗi lầm hay xúc phạm.
Tuy nhiên thực tế, có những con người chạy theo quyền chức, danh lợi... sống thiếu chân thành, đề cao cái tôi cá nhân, lợi dụng hoặc xu nịnh kẻ khác mà đánh mất nhân tâm, đánh mất tình người... Đó là một lối sống ti tiện và thiếu tình người, đáng bị lên án phê phán.
Hơn tất cả mọi thứ trên đời, tình yêu thương là sức mạnh vô biên, là điều chia sẻ quý nhất trong cuộc sống con người. Yêu thương là cảm xúc thiêng liêng và gần gũi nhất trong cuộc sống của chúng ta. Không một ai có thể sống trên đời mà thiếu tình yêu thương. Cuộc sống của bạn sẽ ý nghĩa hơn nhiều khi bạn biết dành tình yêu thương để làm cho cuộc sống của những người xung quanh và của mình ấm áp, hạnh phúc hơn. Một khi bạn mở lòng trao đi những tình cảm thật chân thành thì bạn cũng sẽ nhận lại được chính tình yêu thương đó.
=================
Đ 3: Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm. (C. Bôvi)Ý kiến của anh – chị ?
Bàn về thái độ và cách ứng xử trong tình bạn...C.Bovi có câu : Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm. Câu nói của Bovi phải chăng đã phê phán bản chất của những kẻ cơ hội, thiếu nhân cách trong tình bạn của một số người đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay.

Giả dối là không chân thực, nhằm mục đích đánh lừa. “Những người bạn giả dối” là những người sống với bạn không thật lòng, chỉ dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng bạn nhằm thực hiện những mưu đồ lợi ích riêng tư cho chính bản thân.
Quả thật như vậy, câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn. Những người bạn giả đối giống như những chiếc bóng khi chúng ta lúc nắng ấm chúng sẽ theo gót ta ra ngoài, nhưng khi bóng râm chúng lại sẵn sàng rời bỏ ta. Hay nói cách khác khi ta có cuộc sống thành đạt, khá giả, sung túc, vinh quang… thì lúc ấy “những người bạn giả dối” bám theo ta để nương tựa, nhờ đỡ, lợi dụng ta vì lợi ích nào đó cho chính bản thân. Ngược lại lúc ta rơi vào cảnh thất cơ, lỡ vận, khó khăn, hoạn nạn,… thì sự giả dối ấy của họ tất yếu hiện hình, lộ rõ, rời bỏ ta vì biết rằng bám theo ta cũng không có thêm được lợi ích gì. Tình bạn hiểu đúng nghĩa là người quen biết, có quan hệ gần gũi, do hợp tình, hợp ý, cùng chí hướng … là sự kết nối tình cảm thiêng liêng, tạo nên sự gắn bó mật thiết, để nương tựa giúp đỡ cho nhau cùng tiến bộ, cùng nhau tâm tình chia sẻ những nỗi niềm khi vui cũng như khi buồn, giúp nhau để vượt qua những lúc hiểm nghèo, khó khăn, hoạn nạn…
Câu nói của Bô-vi là nhằm lên án, phê phán bản chất của những kẻ cơ hội, đó không phải là tình bạn chân chính, mà là những con người dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng cho cá nhân một cách thấp hèn, ích kỉ, không có nhân cách. Qua đó vừa cảnh báo về cách chọn bạn để sống, vừa nhắn nhủ với người đời hiểu đúng về tình bạn và sống với bạn cho ra nhân cách con người.
Câu nói của Bô-vi chứa đựng ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong cuộc sống. Nó là bài học ý nghĩa về cách ứng xử trong tình bạn và nhẹ nhàng chê trách, phê phán những kẻ cơ hội, thiếu nhân cách trong tình bạn. Câu nói ấy giúp ta nhìn nhận, hiểu đúng về tình bạn chân thật – đó là sự kết nối tình cảm thiêng liêng.
===============


Đề 4: Nghị luận về câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Trong cuộc đời thăng trầm, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình những kĩ năng sống nhất định. Trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng được hạnh phúc, sẽ có những lúc ta cần phải có ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Nhưng ta cũng cần phải hiểu rằng những khó khăn thử thách đó chúng ta vẫn có thể vượt qua được nều chúng ta cố gắng và có đủ nghị lực để vượt qua. Giống như câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Ta có thể hiểu nghị lực sống là những cố gắng quyết tâm vượt qua những thử thách trước mắt. Trái lại, khi chúng ta làm một công việc tuy là không khó khăn nhưng với bản chất lo sợ thất bại thì công việc đó sẽ không đi đến thánh công. Cũng như câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắc làm nên”.
Câu nói đã mở ra cho ta suy nghĩ về nghị lực sống. Nếu ta xem cuộc đời này là một con đường dài thì những khó khăn thử thách sẽ là những ngọn núi cao, những con sông dài bắt buộc chúng ta phải vượt qua. Nhưng dù cho sông có dài núi có cao thì khi con người có ý chí, nghị lực sống thì chắc chắn sẽ vượt qua được.
Như vậy, ta có thể thấy được câu nói của Nguyễn Bá Học là hoàn toàn đúng. Nghị lực sống là một trong số những con đường nhanh nhất dẫn đến thành công của mọi người. Con đường đời sẽ không làm phụ lòng những người biết vươn lên trong cuộc sống. Người có nghị lực sẽ tìm được con đường đi đến thành công dù là con đường đó là chông gai, khó khăn. Chúng ta phải luôn sẵn sàng đối mặt với những gian nan ấy. Tất cả những khó khăn sẽ không là vấn đề to lớn nếu ta bình tĩnh suy nghĩ và có đủ quyết tâm để vượt qua nó. Từ cuộc sống thực tế ta có thể thấy những gia đình khó khăn sau một thời gian làm việc vất vả, cố gắng dành dụm, có nghị lực để vượt qua những gian khổ trước mắt thì sau một thời gian, cuộc sống sẽ mang lại cho họ những thành công. Cũng có thể lấy ví dụ từ trong ghế nhà trường, một học sinh có khả năng tiếp thu bài kém nhưng khi người học sinh ấy có nghị lực để quyết tâm chăm chỉ học tập thì kết quả sẽ được cải thiện. Như vậy ta thấy được tầm quan trọng của nghị lực sống đối với nhựng ai muốn đi đến được thành công.
Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng có đủ nghị lực đề vượt qua thử thách. Khi gặp phải thử thách, nhiều người đã chọn cách buông xuôi thay vì cố gắng đứng lên. Một số người khác trong xã hội ngày nay là chưa làm việc đã sợ thất bại vì những khó khăn mà công việc đặt ra. Đó là những con người đáng chê trách. Đường đời sẽ càng chông gai nếu những ai nghĩ rằng khó khăn sẽ không vượt qua được. Chúng ta cứ thử một lần bước qua những thủ thách, đối mặt với khó khăn thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được vì nghị lực sẽ làm nên tất cả.
Như vậy, trên đường đời đầy gian nan thử thách, mỗi người phải có nghị lức sống để vượt qua tất cả, nghị lực sống sẽ mở ra cho chúng ta những con đường đi đến thành công. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết. Đặc biệt là nghị lực sống, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn và là một trong những hướng đi nhanh nhất dẫn đến thành công. Còn những ai chưa bao giờ đối mặt với khó khăn thì phải tự mình rèn luyện cho mình có một ý thức vươn lên và vượt qua thử thách.
=================
Đề 5: Trả lời câu hỏi điều tra của nhà bác học Han tơn, nhà bác học Đacuyn nói về kinh nghiệm thành công của mình như sau: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học”. Hãy viết một bài văn ngắn trình bày những suy nghĩ của mình về câu nói trên.
Người ta thường nói: "Không thầy đố mày làm nên" để nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của người thầy. Điều đó là rất đúng. Tuy nhiên khi giác ngộ về vai trò chủ thể của con người trong mọi hoạt động thì tự học cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.  Câu nói của Đac-uyn sau đây rất có ý nghĩa: "Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học". Vậy chúng ta hiểu câu nói trên như thế nào?
Tự học là thực chất của sự học, là sự học do tự mình chủ động, tích cực đến với kiến thức. Tự học mà Đac-uyn nói là sự tìm kiếm kiến thức ngoài phạm vi sách vở do nhà trường dạy cho. Kiến thức trong nhà trường chỉ là cơ sở chung, là mặt bằng chung mà ai ai cũng biết, Muốn làm cái gì có ý nghĩa hơn thì phải có kiến thức sâu hơn. Mà muốn có được những kiến thức sâu hơn như thế chúng ta phải tự học và nghiên cứu thêm thì mới có được.
Câu nói của Đac-uyn là hoàn toàn đúng. Con người biết tự học phải là con người có ước mơ, hoài bão, có lí tưởng đóng góp cho cuộc sống. Đac-uyn là nhà bác học vĩ đại. Việc tự học của ông gắn liền với hoài bảo khoa học của ông. Có hoài bão, có mục đích, người ta mới có động cơ và phương hướng để tự học, tìm tòi, không học theo kiễu được chăng hay chớ, biết học có phương pháp. Có hoài bão, con người mới biết kiên trì, bền bỉ tự học, có nghị lực vượt qua khó khăn, trở ngại để học tập. Đặc biệt là biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, sáng tạo cái mới. Muốn có kiến thức thực sự thì học sinh phải tự học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Xác lập hoài bão, mục đích để định hướng tự học. Rèn luyện thói quen tự học. Chuẩn bị tinh thần để suốt đời. Ngày nay điều kiện để tự học (sách, báo, mày vi tính, mạng internet…) tốt hơn bao giờ hết và phải có nghị lực mới tận dụng được các điều kiện ấy.
Tuy nhiên, ngày nay một số học sinh chúng ta rất coi nhẹ việc tự học. Họ chỉ học đối phó, học vẹt, học tủ...Tác hại của những cách học ấy là hết sức nghiêm trọng. Tuy lý thuyết thì thuộc lòng nhưng không hiểu để áp dụng vào đời sống, công việc. "Học trước quên sau", kiến thức chưa kịp bám vào bộ não thì đã bị những sở thích tầm thường đẩy ra ngoài mà không thể chống cự. Không những thế, nó còn gây thêm hại nữa đó là kiến thức cơ bản, kiến thức toàn diện không nắm được. Bởi thế chúng ta cần xác định đúng động lực học tập và chọn lựa phương pháp học đúng đắn.

Phát biểu của Đac-uyn là một kinh nghiệm quý báu của những con người vĩ đại. Tự học là cách tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong học tập, mang lại một kết quả học tập cao nhất có thể. Nếu chúng ta biết nỗ lực tự học, chúng ta sẽ thành công, sẽ mở được một tương lai rộng mở cho chính mình, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng đi lên, phát triển đến một tầm cao mới.
==================
ĐỀ 6: Mara nói: “Người ta có vẻ lớn đối với chúng ta, bởi vì chúng ta quỳ. Chúng ta hãy đứng lên!”. Ý kiến của anh, chị về câu nói trên?
Bàn về nhận thức, thái độ, hành động sống sao cho có ý nghĩa của mỗi người trong cuộc đời, Mara có câu: “Người ta có vẻ lớn đối với chúng ta, bởi vì chúng ta quỳ. Chúng ta hãy đứng lên!”. Với câu nói trên, Mara đã phê phán lối sống tự ti, hèn hạ của một số đông thanh niên hiện nay, từ đó tác giả cất lời động viên, kêu gọi mọi người hãy tự khẳng định mình bằng một lối sống mạnh mẽ, bản lĩnh …
Chữ “lớn” và chữ “quỳ” ở đây không có ý nói về vóc dáng, hành động bên ngoài, mà nói về tư cách, vị thế của những con người đó. Quỳ là tự hạ mình, tự ti, thiếu niềm tin vào khả năng của chính bản thân trước người khác, thậm chí hèn nhát không dám thể hiện đúng thực lực bản thân. Lời khuyên, lời kêu gọi của Mara: “Chúng ta hãy đứng lên" là nhằm nói đến sự tự khẳng định bằng ý chí, nghị lực, niềm tin để vươn lên.
Câu nói của Ma-ra nêu lên một thái độ sống tiêu cực. Đó là lối sống ươn hèn, ỉ lại, lười biếng…trong học tập và trong cuộc sống. Đó là lối sống tự ti, không tin vào chính mình. Nguyên nhân khiến bản thân thua kém người khác là do chính bản thân chúng ta đã tự hạ mình, thiếu cố gắng, không có tinh thần vượt khó nên mới thấy người khác vượt trội hơn ta. Khẳng định tư cách, ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn thử thách của mỗi con người trong mối quan hệ cuộc sống. Tài năng của con người được tạo bởi nhiều yếu tố: Yếu tố bẩm sinh (thiên phú), yếu tố tự rèn... Nhưng thiên phú mà không biết cách phát huy thì tài năng kia cũng mai một, lụi tàn. Yếu tố tự rèn là yếu tố quan trọng để đi đến thành công. Để thấy mình không thấp hơn người khác, bản thân phải có sự lao động chăm chỉ, cần cù, không chùn bước trước gian nguy, phải biết tự tin vào chính bản thân trên bước đường đời. Là lời động viên, kêu gọi lòng tự tin vào ý chí, năng lực để thể hiện thái độ, tư cách, vị trí của chính mình trong mối quan hệ cộng đồng.
Câu nói trên nhẹ nhàng phên phán những kẻ tự kiêu, tự phụ, hống hách, những kẻ đứng lên không phải bằng tài năng, năng lực của chính mình mà bằng cách chèn ép, bôi nhọ, chà đạp người khác để nhằm thỏa mãn lòng ích kỷ cá nhân.
Sống ươn hèn, ỉ lại, lười biếng, sống tự ti, không tin vào chính mình đó thái độ sống tiêu cực. Tự tin khẳng định tài năng, bản lĩnh của chính mình là điều quan trọng và cần thiết cho thanh niên, học sinh chúng ta trong xã hội ngày này. Câu nói của Ma-ra rất có ý nghĩa và là lời động viên, nhắc nhở ta hãy tự khẳng định mình bằng một lối sống mạnh mẽ, bản lĩnh và đầy tự tin.
================
Đề 7: Suy nghĩ về "hôi của".
Xã hội hiện đại ta ngày nay đang đứng trước căn bệnh vô cảm trầm trọng. Nó không chỉ có mặt trong từng gia đình, tập thể mà còn tràn lan ra khắp xã hội. Chúng ta không khỏi chạnh lòng và đau đớn, xấu hổ vì hành động vô cảm, vô nhân đạo của những kẻ hồ hởi, vui vẻ tràn ra đường “hôi của” khi tài sản của những người gặp nạn đổ xuống đường.
Hôi của là hành vi tận dụng hoàn cảnh éo le, thương tâm, bất lợi của người khác để biến tài sản của người thành của mình. Bởi vậy, nó thực sự chẳng khác nào hành vi ăn cướp. Tài sản rơi xuống đường không phải là vô chủ. Người ta ngang nhiên xâu xé, vơ vét đó là không chỉ là "cướp giữa ban ngày", mà còn là cướp một cách hèn hạ, cướp của những người gặp tai nạn, những người đang rất cần sự giúp đỡ. Mặt khác, việc lợi dụng việc người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, đơn độc, thậm chí chết, không còn khả năng quản lý được tài sản để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc… còn là vi phạm pháp luật.
Hôi của là một hành vi xấu, sai lệch chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị của xã hội. Hiện tượng hôi của là một hiện tượng cho thấy sự vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm một cách đáng báo động. Hình ảnh này cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức, nhân cách của một bộ phận con người trong xã hội ta. Hành động ấy đi ngược lại với truyền thống nhân đạo cao đẹp của con người Việt Nam. Họ vô cảm trước nỗi đau của người khác. Ai trong chúng ta lại không bất bình trước sự việc một chiếc xe tải chở hàng ngàn két bia do tài xế Hồ Kim Hậu điều khiển bất ngờ gặp nạn, khiến hàng nghìn thùng bia đổ ập xuống đường. Mặc dù thấy chiếc xe gặp nạn nhưng những người dân xung quanh vẫn rất bình thản và không ra tay giúp đỡ. Ngược lại, họ nhanh chóng băng qua đường rồi nhăm nhăm lao tới các thùng bia để tranh thủ "cuỗm" được chút ít đồ "miễn phí". Trước tình huống này, tài xế khóc lóc, van xin, nhưng hàng trăm người vẫn đổ xô vào cướp đi số bia nằm la liệt trên đường. Chỉ sau khoảng mười lăm phút, đường phố trở nên vắng hoe bởi số bia cùng dòng người hôi của bỗng chốc "không cánh mà bay". Hiện nay trên khắp cả nước không ít vụ hôi của xảy ra. Có thể kể đến những vụ như: vụ giành giật tiền của người bị cướp giật làm rơi tiền ra đường ở thành phố Hồ Chí Minh, vụ lấy dứa ở Hà Nam, vụ "hôi bia" ở ngã tư An Sương – thành phố Hồ Chí Minh, vụ "hôi dầu" ở Ninh Bình và Đồng Nai,… Đó là những hành vi không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mỗi người dân Việt cũng có lẽ đã rất quen thuộc với những câu tục ngữ ca dao về đạo lý làm người đầy ý nghĩa như "lá lành đùm lá rách", "nhặt được của rơi trả người đánh mất" hay "thương người như thể thương thân"... Thế nhưng, trong một số trường hợp nào đó của cuộc sống, rất nhiều người đã vô tình "quên" đi những đạo lý làm người đó.Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức cũng như hành vi của người dân trước tai họa và sự bất hạnh của người khác. Chúng ta cần lên án, phê phán mạnh mẽ hành động trên của những kẻ hám lợi cho bản thân mà quên đi nỗi đau của người khác. Cần có sự can thiệp của pháp luật để răn đe, giáo dục những kẻ tham gia trong hành động trên. Bên cạnh việc hôi của đáng tiếc ở trên, chúng ta cũng thấy nhiều hình ảnh đẹp đối ngược: vụ lật xe bia ở Đà Nẵng, ở Hội An nhưng người dân lại ra bảo vệ cho tài xế, giúp tài xế thu dọn hàng hoá trong trật tự và bảo đảm tài sản không mất cắp. Đó là hình ảnh đáng trân trọng và biểu dương.
Nói tóm lại, hôi của là một vấn nạn xấu đáng bị lên án và bài trừ. Chúng ta cần ra sức học tập và rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách cho bản thân, sống biết yêu thương, sẻ chia với những khó khăn của người khác "Sông là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
================
Đề 8: Nghị luận về câu nói của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.
Cuộc sống ngày càng vận động và phát triển theo chiều hướng mới. Để tồn tại và có một cuộc sống bền vững thì mỗi người chúng ta cần phải có một phương hướng sống nhất định, một lí tưởng mà ta sẽ hướng tới để thực hiện trong suốt cuộc đời. Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi đã nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Vậy cuộc sống sẽ ra sao nếu mỗi người không có lí tưởng xác định? Cuộc đời sẽ ra sao nếu mỗi người chỉ sống vì những mục đích không rõ ràng và chỉ cho bản thân mình?
Lí tưởng là cái đích của cuộc sống mà mỗi con người khát khao đạt được. Còn “ngọn đèn”, đó là một vật dùng để thắp sáng vào ban đêm, nhờ có nó mà ta thấy được rõ đường đi và những vật xung quanh. “Phương hướng kiên định” chính là mục tiêu, là đường lối xác định sẽ thực hiện một cách quyết tâm và không thay đổi. "Cuộc sống" là cuộc đời thực tiễn của mỗi người, nhưng đó sẽ là cuộc đời có ý nghĩa, cuộc đời tươi đẹp khi mà con người sống chứ không phải tồn tại. Cuộc sống đó là thành quả rực rỡ của một cuộc sống có lí tưởng. Câu nói của Lép Tôn-xtôi nêu rõ mỗi con người cần phải có riêng cho mình một lí tưởng sống, đó chính là ngọn đèn chỉ phương rõ ràng nhất.
Thật vậy, câu nói của Lép Ton-xtôi là hoàn toàn đúng. Lí tưởng rất quan trọng với chúng ta. Vì nếu sống mà không có lí tưởng thì chúng ta sẽ khó mà xác định những việc nên làm, còn nếu có xác định được thì cũng không có quyết tâm để thực hiện cho tới nơi chốn. Như trong học tập, nếu không chắc chắn mục tiêu học để làm gì thì khi gặp khó khăn, ta dễ buông xuôi và không chịu cố gắng. Bên cạnh đó, khả năng thực hiện sai hướng hay cảm thấy khó khăn hơn khi không xác định được lí tưởng là rất lớn. Thiếu lí tưởng, ta dễ nản chí, ta dễ cảm thấy buồn chán với chính cuộc đời của mình. Vậy một người có lí tưởng là người như thế nào? Đó chính là người luôn xác định rõ mục tiêu sống và tận tuỵ với những việc mà mình cần hoàn thành, thể hiện rõ thái độ quyết tâm vươn tới sự hoàn thiên bản thân, mong muốn cống hiến cho sự nghiệp chung. Hơn thế nữa đó là một người sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng của mình, chấp nhận sự thất bại và khó khăn để đạt đến cái đích cuối cùng của cuộc đời. Đôi khi lí tưởng của một người chỉ là kiếm được việc làm ổn định và có một gia đình đầm ấm nhưng để thực hiện được thì người đó cũng phải trải qua nhiều khó khăn. Và dù cho đó chỉ là một lí tưởng tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Vì người đó đã có được lí tưởng riêng để thực hiên chứ không như nhiều người sống hơn nửa cuộc đời vẫn chưa biết đâu là lí tưởng của đời mình và vẫn còn đang quẩn quanh.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay vẫn không thiếu những bạn trẻ sống thiếu lý tưởng, hoài bảo. Lúc nào cũng khư khư vì lợi ích của bản thân, ích kỉ, vụ lợi. Đó là những lối sông đáng bị phê phán, chê trách. Vì thế thanh niên ngày nay cần có một lí tưởng chung là: không ngừng phấn đấu vì sự phát triển chung của đất nước. Mà muốn có được những lí tưởng có ‎ nghĩa cho bản thân và cho xã hội như vậy thì mỗi người nhất là thanh niên học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã xác định được cho mình mục đích của việc học tập, phân biệt được mục đích đó là đúng hay sai và xác định xem khả năng của mình có thực hiện được hay không. Một xã hội sẽ phát triển vững bền khi có những con người có chung một lí tưởng cao đẹp là sống vì Tổ quốc, vì mọi người.
Câu nói của Lép Tôn-xtôi đã để lại nhiều ý ‎nghĩa sâu sắc và đầy tính nhân văn khi ông đã nhấn mạnh sự quan trọng của lí tưởng đối với mỗi người. Cuộc sống ngày càng khác đi, mỗi người chúng ta cần có một lí tưởng để thực hiện trong cuộc đời, em cũng vậy, em sẽ luôn phấn đấu để hoàn thành lí tưởng của mình: trở thành một công dân có ích cho xã hội, đóng góp sức mình vì sự nghiệp chung của dân tộc. Để mỗi ngày trôi qua, sẽ có thêm một ngày mới được chiếu sáng bởi lí tưởng cuộc đời.

No comments:

Post a Comment