Saturday, January 13, 2018

ĐỀ THI THÁNG LẦN 1 Năm học 2014 - 2015 Môn: VĂN LỚP 12; KHỐI: C, D.

ĐỀ CHÍNH THỨC
 
SỞ GD&ĐT BẮC GIANG
TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN



(Đề thi gồm có 01 trang)
------------------------------------------------
ĐỀ THI THÁNG LẦN 1
 Năm học 2014 - 2015
Môn: VĂN LỚP 12; KHỐI: C, D.
Thời gian làm bài: 120 phút
(không kể thời gian phát đề)




Câu 1 (4 điểm):                  HỎI
                        Tôi hỏi đất:
                        - Đất sống với nhau như thế nào?
                        - Chúng tôi tôn cao nhau.
                        Tôi hỏi nước:
                        - Nước sống với nhau như thế nào?
                        - Chúng tôi làm đầy nhau.
                        Tôi hỏi cỏ:
                        - Cỏ sống với nhau như thế nào?
                        - Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
                        Tôi hỏi người:
                        - Người sống với nhau như thế nào?
                        Tôi hỏi người:
                        - Người sống với nhau như thế nào?
                        Tôi hỏi người:
                        - Người sống với nhau như thế nào?
                                                                   ( Hữu Thỉnh)
            Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
            a, Xác định những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản trên? (0.5đ)
            b, Văn bản trên thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả? ( 0.5đ)
            c, Từ văn bản trên, em hãy tìm cho mình một bài học về lối sống?( 3đ)

Câu 2 (6 điểm): Phân tích đoạn văn sau trong bản "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh:

            Hỡi đồng bào cả nước!
            "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được ; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
            Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
            Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
            "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
            Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

            ----------- Hết ----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:.................................................................... Số báo danh: .................................


ĐỊNH HƯỚNG CHẤM THI THÁNG LẦN 1
Môn: Văn lớp 12

Câu 1 (4 điểm):
            a, Những bpnt được s/d trong vb là: Điệp từ; Điệp cú pháp; Nhân hóa ( 0.5đ)
            b, Văn bản thể hiện sự băn khoăn, muốn tìm hiểu, khám phá, lí giải..& cũng là cách nêu vấn đề để đánh thức khả năng nhận thức, tư duy của tác giả với đối tượng giao tiếp về lối sống cần có của con người trong cuộc sống hôm nay ( 0.5đ)
            c, HS cần biết tạo lập văn bản theo các yêu cầu sau: (3đ)
Yêu cầu về kĩ năng:
            Hs biết cách làm bài văn nghị luận xã hội
            Bố cục mạch lạc, cân đối, ý tứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ
            Diễn đạt tốt, thể hiện được sự am hiểu vốn sống thực tế bằng những dẫn chứng thuyết phục
Yêu cầu về kiến thức:
            - Hs có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau sao cho các ý đưa ra phải có sự lập luận chặt chẽ, có cơ sở thuyết phục
            - Bài viết trình bày được 1 số ý cơ bản như sau:
* Giải thích khái niệm, từ ngữ (0.5 điểm):
            - Hỏi(6 lần): là biểu hiện của sự băn khoăn, muốn tìm hiểu, khám phá, lí giải..& cũng là cách nêu vấn đề để đánh thức khả năng nhận thức, tư duy của đối tượng giao tiếp
            - Đất, nước, cỏ: là những vật thể vô tri thuộc thế giới tự nhiên, sự tồn tại và quan hệ giữa chúng rất tự nhiên song khi bước vào thế giới của nghệ thuật nó trở thành những ẩn dụ để chở tải suy nghĩ, tình cảm, quan niệm của người nghệ sĩ về thế giới của con người và những vấn đề thuộc về thế giới ấy
            - Sống với nhau: Quan hệ, cách sống, cách ứng xử giữa các cá thể trong cuộc sống
            - Tôn cao nhau: Ủng hộ, nâng đỡ, đề cao nhau để giúp nhau khẳng định sự tồn tại của cá nhân mình
            - Làm đầy nhau: Bù đắp, bổ sung cho nhau để trở nên hoàn thiện
            - Đan vào nhau để làm nên những chân trời: Đoàn kết, gắn bó với nhau để làm nên một khối thống nhất và vững mạnh, cũng là để cuộc sống của mỗi cá nhân được mở rộng phạm vi mà trở nên phong phú, lớn lao hơn
            => Đặc điểm tồn tại của đất, nước, cỏ qua cái nhìn và tư duy của con người trở thành bài học về lối sống cho con người. Cần lưu ý tới sự đối xứng giữa 3 câu hỏi dành cho đất, nước, cỏ với 3 câu hỏi dành cho con người. Sự đối xứng này khiến bài thơ HỎI trở thành bài thơ giãi bày, đề xuất 1 quan niệm sống bởi trong câu hỏi đã có sẵn câu trả lời.
* Phân  tích, lí giải, chứng minh (2 điểm): 
- Vì sao con người cần ủng hộ, giúp đỡ, trân trọng , giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ? (1 điểm)
            + Vì mỗi cá nhân khi bước vào cuộc sống đều có thể gặp phải khó khăn, mắc phải sai lầm, hoặc vấp ngã.. Nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của những người khác sẽ rất khó để vươn lên và khẳng định mình
            + Vì khi ủng hộ, giúp đỡ, đề cao người khác thì con người đã thể hiện được tấm lòng vị tha, nhân ái. Và như thế là con người đã có bản lĩnh và vượt lên trên được thói nhỏ nhen, ích kỉ, cũng như nỗi sợ hãi của những người tầm thường luôn sợ người khác hơn mình để ngày một hoàn thiện hơn.
- Vì sao con người cần bù đắp, bổ sung cho nhau để trở nên hoàn thiện hơn? (0.25 điểm)
            Vì c/sống luôn đặt ra rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi, thử thách buộc con người phải đáp ứng, phải vượt qua song mỗi người lại luôn phải đối mặt với những giới hạn về khả năng của bản thân mình nên rất cần nhận được sự hỗ trợ, bổ sung..
- Thực tế cuộc sống cho thấy (0.75điểm)
            + Không người nào hoàn toàn tốt hoặc xấu, mạnh hoặc yếu...ai cũng có thế mạnh và điểm yếu riêng, nếu thế mạnh được phát huy, điểm yếu được hạn chế thì người đó sẽ có thêm sức mạnh và lòng tin để ngày một sống tốt hơn
            + Để bù đắp những khiếm khuyết, khắc phục những hạn chế thì mỗi người cần biết học hỏi từ người khác, không nên sống ích kỉ, riêng rẽ, xa rời tập thể bởi tinh thần đoàn kết, gắn bó luôn là sự cần thiết cho sự tiến bộ của mỗi cá nhân nói riêng cũng như sự tiến bộ của toàn xã hội nói chung
* Bình luận, mở rộng và liên hệ: (0.5điểm):
            - Trong c/sống, con người rất khó tránh khỏi việc mắc phải thói đố kị, hẹp hòi, ích kỉ..vốn là những biểu hiện tâm lí dẫn người ta đến chỗ nghĩ cho mình, sống vì cá nhân mình....Tác giả của bài thơ không cao giọng giảng đạo đức mà chỉ nêu ra 1 vấn đề, gợi mở để mọi người cùng suy ngẫm, tự lựa chọn và điều chỉnh bản thân. Và như thế, bài thơ thực sự là 1 bài học vô cùng thấm thía về cách sống, cách làm người để mỗi người ngày 1 tốt hơn
            - Liên hệ và rút ra bài học về cách sống mà bản thân mình học được

Câu 2 (6 điểm)
Về kĩ năng : Nắm chắc p.pháp làm kiểu bài NLVH về 1đoạn văn thuộc thể văn chính luận
                     Biết vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác: Phân tích, so sánh, bình giảng...để làm rõ giá trị của đoạn văn về nội dung cũng như nghệ thuật; đánh giá được vai trò, ý nghĩa của đoạn văn đối với các phần còn lại của bản Tuyên ngôn độc lập
                     Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, mạch lạc, có cảm xúc, dc lấy trong đoạn văn của đề bài
                     Bài viết có thể triển khai theo hướng bổ ngang hoặc bổ dọc (nhóm ý ) để phân tích song cần triển khai được những ý cơ bản về kiến thức như sau:
Về kiến thức:                       
* Mở bài (0.5 điểm):
            Giới thiệu được về tác giả, tác phẩm và  nêu vấn đề cần NL ( Ở đây cần giới thiệu được vị trí đoạn văn: Thuộc phần mở đầu của t/p "Tuyên ngôn độc lập" -> Đoạn văn đã thể hiện được tài năng chính luận xuất chúng của người viết)

* Thân bài (5điểm):
a, Phân tích đoạn văn (4đ) 
- Ý nghĩa câu mở đầu đoạn văn? (0.5đ)
            " Hỡi đồng bào cả nước"
            + Xác định đối tượng trực tiếp mà bản tuyên ngôn hướng tới là quốc dân đồng bào
            + Lời văn ngắn gọn, giọng văn tha thiết tạo được tâm thế giao tiếp gần gũi, cởi mở giữa người nói ( một lãnh tụ) với người nghe ( toàn thể nhân dân) & vẫn giữ được không khí trang nghiêm, trang trọng của buổi lễ mừng độc lập
-Việc trích dẫn đoạn văn trong bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mĩ có gì đặc sắc về nội dung và nghệ thuật ? ( 1.5đ)
            Đây là đoạn văn kết tinh tư tưởng chủ đạo của bản tuyên ngôn nước Mĩ: Khẳng định quyền bình đẳng của con người -> Tư tưởng tiến bộ này đã được thừa nhận như 1 chân lí & Bác cũng nhấn mạnh đó là "Lời bất hủ"
            Bác coi đó là nền tảng pháp lí để nâng cao, phát triển, mở rộng thành luận điểm: Suy rộng ra....quyền tự do": Khẳng định quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Đây là một trong những quyền chính đáng của mỗi dân tộc
=> Cách lập luận này là sản phẩm tư duy lí luận sáng tạo, sắc bén, biến hóa tài tình của Bác khi Bác thay thế cụm từ "mọi người" bằng "các dân tộc trên thế giới".
            Đây là 1 đóng góp có ý nghĩa lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng các dân tộc trên thế giới
- Giá trị của việc trích dẫn đoạn văn trong "Tuyên ngôn nhân quyền và Dân quyền" của Cách mạng Pháp? (1.5đ)
            Đây cũng là đoạn văn hội tụ được tinh thần bản tuyên ngôn của nước Pháp: Khẳng định quyền sống hạnh phúc và tự do của con người
            Sự sắp xếp trình tự 2 bản tuyên ngôn không chỉ vì lí do thời gian mà còn bởi người viết hiểu sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa quyền của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của con người: Có quyền bình đẳng dân tộc mới có quyền tự do, hạnh phúc của cá nhân -> Cách lập luận như vậy rất  khoa học -> Vì thế có tính thuyết phục cao
- Câu kết đóng vai trò như thế nào trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập? (0.5đ)
            Câu kết ngắn gọn, giọng văn đanh thép có vai trò khẳng định những nguyên tắc, chuẩn mực và có giá trị như những chân lí vĩnh cửu để đối chiếu, so sánh nhằm chỉ ra và phê phán những biểu hiện phi nguyên tắc, phi nhân tính mà thực dân Pháp đã thực hiện, thi hành ở Việt Nam trong hơn 80 năm đô hộ ở phần sau của văn bản.

b, Đánh giá chung ( 1đ):
- Đoạn mở đầu có vai trò như thế nào đối với những phần còn lại của tác phẩm?
            Phần đầu là cơ sở chính nghĩa, nền tảng pháp lí của bản tuyên ngôn ( Bởi Bác đã trích dẫn 2 bản tuyên ngôn ra đời sớm của 2 nước lớn..đã được cả thế giới biết đến và công nhận..)
- Đoạn văn thể hiện vẻ đẹp nào ở con người Hồ Chí Minh?
            -> Vẻ đẹp con người ĐẠI TRÍ, ĐẠI DŨNG:
            Đoạn văn vừa cho thấy sự khéo léo, thái độ kiên quyết trong đấu tranh chính trị, ngoại giao (Chú ý nghệ thuật lập luận "dùng gậy ông đập lưng ông" và cách dùng từ "lời bất hủ", "lẽ phải" khi nói về bản tuyên ngôn của 2 nước đang có âm mưu tái chiếm nước ta...-> Cho thấy: VN luôn đứng về phía lẽ phải, trân trọng, đề cao lẽ phải...) vừa bộc lộ tình yêu đất nước & niềm tự hào dân tộc của Bác ( Liên hệ "Nam quốc sơn hà" và "Bình ngô đại cáo")
- Qua đoạn văn, ta thấy được tài năng chính luận của tác giả như thế nào?
            Lập luận chặt chẽ, khoa học, lí lẽ săc sảo, giọng văn linh hoạt, dẫn chứng xác thực...-> Những đặc sắc nghệ thuật này đã góp phần làm cho "Tuyên ngôn độc lập" trở thành bản "Thiên cổ hùng văn" thứ hai của dân tộc sau "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi.

* Kết bài (0.5 điểm): Khái quát và nâng cao vấn đề

            

No comments:

Post a Comment