Tuesday, March 6, 2018

Nhà văn Nguyễn Công Hoan


Tên khai sinh: Nguyễn Công Hoan, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 (8 tháng 2 năm Quỹ Mão). Quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.
Nhà văn đã từng là Giám đốc Trường Văn hóa Lý Thường Kiệt, Chủ nhiệm tờ Quân nhân học báo, biên tập viên tờ Vệ quốc quân (báo Quân đội nhân dân ngày nay), Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Hội, kiêm Chủ nhiệm Tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ bây giờ). Tên ông được đặt cho một đường phố Hà Nội. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (đợt I, 1993)
Truyện ngắn đầu tiên "Quyết chí Phiêu lưu", Ông viết năm 17 tuổi, tập truyện ngắn đầu tay "Kiếp Hồng Nhan" xuất bản năm 1923 (20 tuổi), Những truyện ngắn đăng thường xuyên trong "Xã Hội Ba Đào Ký" và tiểu thuyết "Những cảnh khốn nạn" tập I, dầy 218 trang in, xuất bản năm 1932, viết trong thời gian ông dạy học ở Lao Cai, đã báo hiệu con đường văn độc đáo của ông sau này đi tới trọn đời.
Tổng số đầu sách của nhà văn đã được xuất bản (1977-1996): 33 cuốn (trong đó có cuốn gồm 4 tập).Năm 1997, chuẩn bị lễ 95 sinh sinh của nhà văn (1998), Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã được giấy phép cho ra đời 9 cuốn tiểu thuyết với tên: "Tủ sách Nguyễn Công Hoan" và tiếp tục ra loại sách khổ nhỏ: 8 cuốn.
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Công Hoan viết một số tác phẩm sau này bị đánh giá là lãng mạn tiêu cực. Thực chất, đây là thời kỳ ông tìm cách thoát khỏi sự chú ý của thực dân Pháp, tích cực hoạt động cách mạng.
Nghề viết là nhu cầu tự thân của nhà văn. Những dòng viết mang tư tưởng và phẩm cách của nhà văn. Ngày 8 giờ, ông dạy học ở trường, về nhà chấm bài cho học sinh. Ông đứng mũi chịu sào cả một gia đình lớn, triền miên bị đế quốc rình rập, truy đuổi. Người Cha, người Anh phải thực mắt chứng kiến số phận của các con, các em mình, tiếp nối tiếp đi trong bão lốc, bản thân cũng trong bão lốc, trong nghèo nàn và cả... nợ nần. Bình tâm và quả cảm xiết bao trong niềm tin ở lý tưởng, nhà văn mới tự tách được mình để "sống" số phận các nhân vật tiểu thuyết mà mình theo đuổi, gắn bó, mà mình tự ý thức trách nhiệm phải tố cáo để bênh vực.
Tình cờ năm 2001, tôi thấy những dòng viết đánh giá đời văn của Nguyễn Công Hoan trong giai đoạn này (1939-1945):
"Nguyễn Công Hoan đang như diều gặp gió thì việc Bước đường cùng bị cấm và Cái thủ lợn không được in làm cho ông chán nản sáng tác" (Nguyễn Công Hoan - Tác giả và tác phẩm - tr27). Có lẽ nên dùng từ chính xác hơn. Cái thủ lợn bị kiểm duyệt cấm, khác nghĩa hoàn toàn với không được in. Chán ngán không thể đồng nghĩa với chán nản.
Khi Như Phong viết: "Nguyễn Công Hoan bắt đầu tự khẳng định được mình một cách mạnh mẽ và vững chắc vào khoảng những năm 1929-1931. Nguyễn Công Hoan đã tự vạch cho mình một con đường đi, một con đường tích cực tiến bộ nhất so với tình hình văn học công khai nước ta hồi ấy". Vậy đâu phải nhờ "gió" mà "diều" lên!
"... Vô hình chung ông đã tuyên truyền không công cho phong kiến phụ họa với thực dân..." (tr,87 - Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan - 1979).
Do Nguyễn Công Hoan còn thiếu nhận thức về mặt lý luận và phương pháp sáng tác của bản thân nên đến thời kỳ đen tối của những năm 40, ông dễ bị phân hóa theo khuynh hướng xấu (lãng mạn, tiêu cực) rồi bế tắc, lúng túng" (tr,91 - Cùng sách).
"Ðầu thời kỳ Mặt trận dân chủ, Nguyễn Công Hoan có chịu ảnh hưởng của Ðảng... nhưng ông vẫn để lộ những nhược điểm vẫn có... ông vẫn đứng trên cương vị một trí thức tiểu tư sản, chưa thật giác ngộ mà tiếp thu ảnh hưởng đó... Nói thực ra ông chưa dám làm cách mạng, mới chỉ là nhà văn có cảm tình với phong trào" (tr.72 - Nguyễn Công Hoan 1903-1977).
"Quả là khi gặp những khó khăn khách quan thì những chỗ yếu vốn có trong tư tưởng nhà văn lại bộc lộ và đời viết văn của ông đến 1943 coi như hoàn toàn xuống dốc" (tr.28 - Nguyễn Công Hoan - Tác giả và tác phẩm). "Qua một thời rực rỡ, đến lúc Nguyễn Công Hoan đang lâm vào tình trạng bế tắc (1943) thì may thay cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công" (tr.33 - Cùng sách).
Ðến đây thì những đánh giá về Nguyễn Công Hoan không còn thuộc lĩnh vực văn chương, tác phẩm, mà thuộc về phẩm chất chính trị một nhà văn trong những thời điểm gian nan nhất của cách mạng. Một con người phụ họa với thực dân là con người đi lầm, đi chệch, mất phương hướng vì chưa thật giác ngộ, chưa dám làm cách mạng. Vậy mà "đang lâm vào tình trạng bế tắc" thì "may thay Cách mạng Tháng Tám thành công". Chính phủ Cách mạng đưa ngay ông vào nhiệm vụ Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Chẳng hóa ra Chính quyền Cách mạng quá dễ dãi? Ông bị phát xít Nhật bắt, bỏ tù về tội chính trị, đến Cách mạng Tháng Tám mới được tự do, chẳng hóa ra không lý giải gì về cái gọi là "1943-1945"? Và đến năm 1948, ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương, khi đang công tác ở Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam?
Ðã thật tiên đoán khi Nguyễn Công Hoan viết một đoạn trong Ðời viết văn của tôi, từ năm 1957:
"Có một số hiện tượng văn học của ta hồi trước Cách mạng Tháng Tám, anh em làm nghiên cứu bây giờ có nhận thấy nhưng chưa tìm ra lý do... Nghiên cứu đế thấy hiện tượsng là tốt, nhưng tìm ra lý do của hiện tượng mới càng tốt hơn. Nếu không, sẽ suy luận... Người phê bình phải độc lập suy nghĩ và phán đoán, không nhắc lại điều người trước đã viết. Chẳng lẽ có một khuyết điểm của một tác phẩm mà người này nói rồi, người khác cũng nói lại. Chỉ lợi cho mình là chẳng lẽ ta lại chẳng nói gì. Nên tránh cái lối quái gở thiếu vinh dự ấy" (tr.388).
"Nếu công kích thẳng quan trường như từ trước đến giờ tôi vẫn làm, tất kiểm duyệt xoá hết sách của tôi. Tôi cần thay đổi chiến thuật... Thế nào kiểm duyệt cũng mắc mưu... Ðộc giả yêu quan ngày xưa, so sánh với quan ngày nay, sẽ khinh ghét, kinh tởm bọn đỉa đói" (tr.388).
Tô Hoài cũng đã viết:
"Bấy giờ có một bài đọc sách ngắn khoảng nửa gang tay chữ trên báo Cờ Giải phóng in li-tô, phát hành bí mật (Vậy đâu phải là báo Cứu Quốc, như người viết phê bình - tr.79 - Nguyễn Công Hoan 1903-1977. Chắc người ấy cũng chỉ nghe kể. Nghe rồi nói theo!). Rất tiếc khi nước nhà độc lập, các nhà phê bình nghiên cứu văn học vẫn cứ nguyên tinh thần bài đọc sách ngắn ngủi ấy mà nói lại... ừ thì tác phẩm ấy có thể chứa đựng tư tưởng bảo thủ nhưng phải được lý giải rằng bảo thủ thế nào, cái gì không thể chỉ im lặng và lặp lại một bài điểm báo thông thường".
Sáng tạo văn học nghệ thuật mang nhiều đặc thù, hoàn toàn khác biệt với mọi loại hình sản xuất khác, dù sản phẩm của nó cuối cùng cũng trở thành hàng hóa. Lao động sáng tạo văn học nghệ thuật hoàn toàn không rập khuôn đầu này vào nguyên liệu, tức khắc đầu kia tọt ra sản phẩm, với năng suất đều đặn như gà đẻ trứng.
Tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng, Nguyễn Công Hoan viết ngay khi vừa mới ra tù tháng 8-1945 (do phát xít Nhật bắt về tội chính trị), viết ngoài giờ gánh vác trách nhiệm giám đốc Sở Tuyến truyền Bắc Bộ bộn bề và mới mẻ. Nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1946, đang in dở dang thì kháng chiến toàn quốc, nhà in phải di chuyển, bản thảo bị thất lạc, tình cờ Tô Hoài nhặt được ở nhà in Tiến Bộ trong rừng, khoảng 40 trang. Mươi năm sau (1956), ông viết lại, dày khoảng 463 trang in.
Có hai sự kiện kể trên trong một đời văn dường như hiếm và cũng đỏng để ta suy nghĩ. Nếu không từ những vốn tích lũy, quan sát tỉ mỉ, xuất phát từ ý tưởng giác ngộ cách mạng quyết liệt và bền bỉ, từ tầm nhìn sâu sắc được trang bị mạnh mẽ trong những tiếp xúc với Ðảng ở giai đoạn 1942-1945, thì dù có sống giữa cơn lốc của nạn chết đói khủng khiếp mà tỉnh Thái Bình là điển hình của cả nước, người nhà văn cũng chỉ còn ôm nỗi kinh hoàng. Hoặc cho dù đến sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, nhà văn mới "bừng tỉnh" để "đi lấy tài liệu", thì tiểu thuyết cũng không thể tọt ra như con gà đẻ trứng để năm 1946 đã có ngay bản thảo ở nhà in. Và những nhân vật tiểu thuyết làm sao đủ thời gian để hiện hình!
Bản thảo bị thất lạc, 10 năm sau (1956) nhà văn vẫn viết lại được chẳng là minh chứng về thực tế cuộc sống khốc liệt thời trước Cách mạng Tháng 8 mà ông đã trải ở Thái Bình vẫn bám riết ông, thôi thúc ông. Nó chứng minh giai đoạn mà đời văn của ông buộc có những "phút lặng", do đế quốc ngáng chân ngòi bút, đến mức ông phải dùng mọi "chiến thuật" để đến với bạn đọc (tất nhiên kết quả không phải thuộc quyền của ông). Cùng lúc ông tìm một lối đi: tích lũy, tạo độ chín để vượt cao hơn, và vì thế khi đất nước vừa giành được độc lập, ông mới kịp sinh ra được hàng loạt tiểu thuyết, mà mở đầu là Tranh tối tranh sáng - Nxb Sự thật ấn hành năm 1946.
"Yếu tố quyết định một tác phẩm bao giờ cũng là sự sống. Trong Tranh tối tranh sáng, tôi đã viết một chuyện xảy ra ở nơi tôi đã sống, trong hoàn cảnh xã hội tôi đã trải, với những nhân vật tôi đã thuộc" (T.236 - Ðời viết văn của tôi). Tranh tối tranh sáng viết năm 1956 dày gấp 3 cuốn đã viết năm 1946. Tiếc rằng mất những trang có nhiều con số - mà có thể bây giờ không tìm đâu ra... Những con số về diện tích Pháp, Nhật bắt nhân dân ta trồng đay, những con số về số lương thực mà giặc thu từng mùa, ở từng tỉnh, số ấy tăng dần từ vụ mùa 1942 cho đến vụ chiêm 1945" (tr.234, tr.235).
Cũng đã có một đoạn đánh giá Tranh tối tranh sáng trong Nguyễn Công Hoan 1903-1977 (tr.85,tr.86):
"Tranh tối tranh sáng viết về lúc giao thời; thời kỳ tiền khởi nghĩa, chủ yếu lên án sự áp bức bóc lột của bọn địa chủ câu kết với thực dân, đế quốc... ông đã nhìn thấy nhiều phẩm chất tốt đẹp của những cán bộ hoạt động bí mật như: Hựu, "anh ấy"... Nguyễn Công Hoan đã chú ý xây dựng cả một hệ thống hình tượng, từ những tên thực dân cáo già Va-mê, Vat-xi... đến những tên cha đạo, tên dự thẩm. Nhiều loại nhân vật khác đã xuất hiện như mật thám,... nhiều sự việc với thái độ rõ ràng".
Vậy đã chẳng từ những tích lũy, những nung nấu của những năm đế quốc "treo giò" rồi cuối cùng bỏ tù ông những năm trong nhà ông luôn có cán bộ bí mật đi về và ông trực tiếp gánh vác nhiều việc của cách mạng. (Ðến năm 1998, bà Nguyễn Công Hoan được nhận bằng "Có công với nước"). Chính những cán bộ hoạt động mà ông tiếp xúc thời bí mật ấy, đã hóa thân vào tác phẩm: "Hựu, "anh ấy". Bởi có một khắc nghiệt trong nghề văn, nếu nhân vật được nhào nặn từ "tài" lấy mẫu của tác phẩm người khác, người đọc nhận ra ngay. Nó không có phần hồn mang dấu ấn tác giả, để "sống thành một hệ thống hình tượng trong tác phẩm".
Trong ký ức đời tôi, chưa phút nào gặp nguy nan, Cha đứng ngoài lề hoặc ngả nghiêng trốn chạy. Không có Cha và Mẹ hoạt động theo cách của riêng mình, cuộc đời tham gia cách mạng trong bí mật luôn bị khủng bố của anh em, chú cháu tôi từ tuổi 13-14, đâu có thể kiên cường và liên tục cho đến hôm nay. Vậy mà bước vào kháng chiến chống Pháp chưa được 6 tháng, ông đã chịu ngay nỗi đau, anh Khoái tôi hy sinh mới hơn 20 tuổi rồi liên tiếp, 6 tháng một lần, 6 người ruột thịt ngã xuống. Ðến kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, ông chấp nhận để người con trai duy nhất còn lại đi vào chiến trường miền nam. ít năm sau, anh bị bắt và biệt giam trong xà lim trắng. Cuối cùng không khai thác được gì ở anh, ngay trước khi xe tăng Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn, một quan chức cao cấp của CIA đã gợi ý với nhà chức trách Sài Gòn là tiện nhất là y "biến mất". Bởi vì Tài là một tay khủng bố có kinh nghiệm nên khó có thể mong đợi y là một người thắng trận rộng lượng. Người Nam Việt Nam đồng ý. Tài bị đưa lên máy bay và ném xuống biển Nam Hải từ độ cao 10 ngàn bộ. Ðến đây thì ông ta đã trải qua 4 năm bị biệt giam trong một phòng quét trắng toát và cũng chưa khi nào nhận một cách đầy đủ mình là ai cả" (Decent lntervalt - dịch là "Khoảng cách thích hợp - của Frank Snepp, nguyên phụ trách phân tích chiến lược của CIA tại Việt Nam, xuất bản tại Mỹ năm 1977 (Bản dịch của Cục Tình báo Bộ Nội vụ (BCA) ngày 2-6-1981).
Ông viết một loạt tiểu thuyết Nếu không có anh, Anh con trai người bạn đọc ấy, Trong ấy ngoài này, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu giải phóng miền nam. Làm cha mẹ rồi, tôi mới thấu hiểu. ứng xử được như ông trước biết bao tình huống khốc liệt của đời người, triền miên dội xuống gia đình, dội xuống đời văn, không thể từ một người mất phương hướng, lúng túng, đi chệch và trượt xuống dốc.
Kẻ nào xô ông xuống dốc? Nếu không là bọn đế quốc cấm đường, truy diệt, rồi bỏ tù, can gì ông, phải tìm chiến thuật, đi đường vòng vèo, ngụy trang, để ý tưởng nung nấu của mình vẫn đến được với bạn đọc. Vậy đâu phải tự ông trượt xuống dốc? Không lẽ cuộc sống của một nhà văn khi trực tiếp hoạt động cho cách mạng đã đẩy ông xuống dốc? Những cuộc gặp gỡ trao đổi với nhiều cán bộ hoạt động bí mật, có trình độ lý luận, am tường chiến lược - những nhiệm vụ được giao cao hơn nhiều so với lần đầu tiếp xúc thấp thoáng năm 1936 - mà từ đó ông sinh ra Bước đường cùng - thực chất đã mở ra trước ông những tầm nhìn mới. Phút lặng - cho dù bắt đầu từ bọn cường quyền, nhằm triệt hạ cấm đường ông đến với bạn đọc - thì ông đã sử dụng như tấm màn ngụy trang cho một giai đoạn mới tự vượt chính mình trong đời làm cách mạng và đời văn. (Tất cả được phản chiếu những vệt sáng trong Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư,...). Nhiều người sống ở thị xã Thái Bình thời ấy vẫn còn nhắc đến hình ảnh ông giáo Hoan, ngày ngày vào buổi trưa, đẩy xe bò cùng anh em thanh niên đi quyên gạo, quyên cơm cứu tế đồng bào bị nạn đói. Ðêm hôm bọn Nhật giải hai tên Công sứ và phó Công sứ Pháp qua thị xã Thái Bình, một cuộc biểu tình lớn nổ ra tập hợp nhân dân diễu hành kéo lên dinh Tổng đốc với khẩu hiệu: "Ðả đảo Va-rê, Va-lăng-xô" - "Việt Nam độc lập". Ông giáo Hoan đi gõ cửa từng nhà. Từng nhà đi theo ông Giáo Hoan, hô khẩu hiệu theo ông Giáo. Mà trời thì đang mưa lạnh. Cuộc mít tinh họp ngay đêm ấy giữa sân dinh Tổng đốc và mọi người thật ngạc nhiên đến thán phục - cán bộ Việt Minh diễn thuyết chính là anh Tài Khoái, con trai ông giáo Hoan mới vừa từ nhà tù vượt ra, đầu còn trọc tóc. Rồi chỉ một thời gian rất ngắn ngay sau đó, chính ông phải vào nhà tù của phát xít Nhật. Cách mạng Tháng Tám thành công đâu phải "may thay" với nhà văn Nguyễn Công Hoan! Và việc gọi là quay ra "làm thơ tình", đến bản thân mình đã thấy nó "không hay nên không thuộc", thì thơ gửi cho ai? Chẳng cũng là một lối nói trào phúng của ông vậy sao?
Một bài học ông vẫn thường căn dặn thế hệ trẻ chúng tôi: Khi đi thực tế nghiên cứu sự kiện nhân vật không thể chỉ đọc các báo cáo, nghe tự kể hoặc mọi người kể, rồi nhìn hiện tượng. Có khi người ta kể thế, nhưng lại ẩn đằng sau những điều ngược lại ta còn phải khám phá, bỏ công tìm tòi lý giải, tự trả lời những câu hỏi từ bản chất cuộc sống, trong thời điểm lịch sử ấy. Nếu không, ai cần đọc tiểu thuyết. Ðời phong phú hơn nhiều.
Suy diễn tùy tiện đến chà đạp nhân phẩm của nhà văn, đâu phải khuynh hướng của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong phê bình nghiên cứu văn học. Với nghề văn, đòi hỏi trước tiên là cái tâm và cái đức. Ðọc những dòng tâm sự của ông, càng thấu hiểu ông hơn.
"Kể ra thì hồi này tôi còn viết được nhiều. Còn nhiều đề tài tôi chưa viết. Có nhiều chuyện, tôi định viết, nhưng không viết nổi vì không nỡ, nó thương tâm quá. Chẳng hạn một cảnh trong gia đình một anh phu xe. Ngày mà tên đốc lý Hà Nội ra lệnh cấm ngồi xe cao-su hai người, và định giá mỗi cuốc ngắn, khách phải trả một hào, thì ai cũng tưởng nó tốt với anh em lao động. Nhưng cái áo ngoài nhân đạo che đậy cái âm mưu bên trong là nó giết anh em kéo xe. Bởi vì trong khi ấy, nó hạ giá xe điện xuống mỗi chặng đỗ có hai xu. Cho nên xe điện đương ế thì chật những khách. Người ta không đi xe kéo nữa, vì đáng lẽ hai người thuê hai xe, phải trả hai hào, thì đi xe điện, mỗi người chỉ mất có hai xu. Vì lẽ ấy, mà anh phu xe tôi nói trên kia, không kiếm ra tiền để nuôi nổi vợ và một con. Vợ anh vì bận con mọn, cũng chỉ đi gánh nước thuê mỗi ngày chẳng đủ ăn. Hai vợ chồng bèn đổi cách sinh sống, vợ làm nghề mại dâm. Chồng dắt khách về. Cứ tối tối, người vợ trang điểm xong, thì mang gửi con bên hàng xóm. Chồng đưa khách về nhà, thì ngồi chờ ở ngoài đường. Rồi khách ra, anh kéo người ấy đi. Tôi đã ngồi vào bàn giấy, nghĩ ra cảnh ấy để viết. Tôi đã tưởng tượng và tôi đã khóc. Không thể nào hạ bút được.." (tr.214, tr.215).
Một tấm lòng: Một tâm hồn đáng kính. Một ý tưởng quyết liệt từ giác ngộ cách mạng. Suốt đời, Nguyễn Công Hoan trung thành với Tổ quốc, nhất quán trong mọi ứng phó, trước biết bao tình huống khắc nghiệt (dù với việc của gia đình, của đoàn thể, của ngòi bút). Ông coi nghề viết là sứ mạng thiêng liêng. Ông không bao giờ "bứt lìa" hoặc "bán" ngòi bút của mình và cũng không bao giờ ông tự "cãi" cho chính mình. Như một cây cổ thụ cam chịu đứng trước giông bão. Như một con khủng long mà Nguyễn Minh Châu đã từng "nhìn" thấy. Và Hoàng Trung Thông phải thốt lên: "Trong thế hệ nhà văn cùng với Anh chẳng ai làm được hơn Anh".
Ðã hơn nửa thế kỷ từ kháng chiến chống Pháp. Ðã hơn 60 năm, từ 1939-1945. Những việc xảy ra vẫn đi cùng với đời ta như hình với bóng, bất chấp thời gian. Và sự tìm, để hiểu biết về một con người, vẫn chưa phải hết. Vậy mà sự hóa thân của tác giả vào tác phẩm, đâu chỉ có thể chỉ cần đọc lướt một lần.
Tôi cắm cúi xuống những trang tiểu thuyết của Cha, như người địa chất đi tìm quặng gốc. Ngoài kia gió bấc đang lại tràn về.
Nguyễn Công Hoan
( 1903 - 1977 )
Sinh 1903, tại Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, nay là tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình Nho học, mất năm 1977 tại Hà Nội.
Nguyễn Công Hoan viết văn từ năm 17 tuổi, năm 20 tuổi xuất bản tập truyện ngắn Kiếp hồng nhan, và năm 32 tuổi (1935), nổi tiếng với tập truyện ngắn Kép Tư Bền.
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Công Hoan khá đồ sộ với hàng trăm truyện ngắn và nhiều tiểu thuyết . Các tác phẩm của ông đã được tái bản nhiều lần và hiện được chọn lại trong bộ Tuyển tập Nguyễn Công Hoan (3 tập, Nxb. Văn học, 1983 - 1986).
01.Răng con chó của nhà tư sản 02.Oẳn tà rroằn 03.Thật là phúc
04.Hai thằng khốn nạn 05.Ngựa người và người ngựa 06.Thế là mợ nó đi tây
07.Xin chữ cụ nghè 08.Thằng ăn cắp 09.Báo hiếu: trả nghĩa cha
10.Báo hiếu: trả nghĩa mẹ 11.Vợ 12.Cụ Chánh Bá mất giày
16.Xuất giá tòng phu 17.Đào kép mới 18.Phành phạch
19.Tôi cũng không hiểu tại làm sao (I) 20.Tôi cũng không hiểu tại làm sao (II 21.Chiếc quan tài
22.Đồng hào có ma 23.Ngậm cười 24.Thịt người chết
25.Sáu mạng người 26.Con ngựa già 27.Tinh thần thể dục
28.Hai cái bụng 29.Sáng, chị phu mỏ 30.Người vợ lẽ bạn tôi
31.Công dụng của cái miệng 32.Người thứ ba .
Bài viết của Thủy Sinh
Cụ Nguyễn Công Hoan từ nhỏ đã có một năng lực tiềm tàng về văn chương , nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà) là người đã gây ảnh hưởng về nghệ thuật sâu sắc nhất cho cụ. Chính Tản Đà đã khuyến khích và thúc đẩy cụ Nguyễn Công Hoan viết văn lối "tả chân", một định hướng chính xác tuyệt đối cho sự nghiệp của cụ sau này.
Vì thế cho nên... văn chương của cụ phải chăng cũng đã phảng phất một chút cái "ngông cuồng" của thi sĩ "chịu chơi" Tản Đà? Không rõ khuynh hướng "xấu và tiêu cực" trong tác phẩm của cụ được đề cập ở bài viết trên là như thế nào...
Nhân đây TS cũng muốn chia sẻ về một khía cạnh khác của cụ Nguyễn Công Hoan, tức là mối quan hệ giữa cụ thuở hàn vi với nhà thơ Tản Đà...
Cụ Hoan kém Tản Đà 15 tuổi, từ lúc nhỏ đã say mê văn chương và cả con người của Tản Đà. Vì nhà cụ ở gần nhà Tản Đà (phố Hàng Hài) nên cụ may mắn được Tản Đà cho xem nhiều sáng tác thơ văn của mình. Có lần Tản Đà xoa đầu cụ và bảo "Cậu bé này thông minh lanh lợi lắm. Tôi đoán chắc sau này cậu bé sẽ trở nên một nhân tài" (theo Kiều Văn)
Cụ Hoan đã cộng tác với Tản Đà trong suốt quá trình Tản Đà làm chủ bút "An Nam tạp chí". Và các tác phẩm tả chân đầu tiên của cụ Hoan như "Hai thằng khốn nạn", "Ván cách", "Người ngựa, ngựa người" v.v... đều được thi sĩ hoan nghênh và cho đăng "tút xúyt" trên "An Nam tạp chí". Theo Kiều Văn, lúc ấy cụ Hoan được đánh giá là "những trái ngọt đầu mùa của một cây bút hiện thực tài ba..."
Suốt đời cụ Nguyễn Công Hoan chịu ơn Tản Đà. Và có lẽ đó cũng là lý do để Tản Đà viết câu chí lí sau : "Yêu quý nhau vì tinh thần quý hơn yêu quý nhau vì vật chất, cho nên đối với người thật yêu quý thời lo về phúc trạch chưa bằng lo về danh tiết trong trăm năm."

No comments:

Post a Comment