Nhà văn Nguyễn Công Hoan nhà văn với truyện “ngựa” tết Canh Ngọ
TTH -
Truyện "ngựa" ấy có tên "ngựa người và người ngựa", tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan đã được in trong nhiều tuyển tập. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc, thể hiện rõ phong cách "truyện ngắn Nguyễn Công Hoan" nên đã hai lần được lấy làm tên các tập truyện ngắn của ông. (Lần đầu, do nhà xuất bản mai lĩnh xuất bản năm 1934 và lần thứ hai do nhà xuất bản văn học in năm 1988).
Truyện "ngựa" ấy có tên "ngựa người và người ngựa", tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan đã được in trong nhiều tuyển tập. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc, thể hiện rõ phong cách "truyện ngắn Nguyễn Công Hoan" nên đã hai lần được lấy làm tên các tập truyện ngắn của ông. (Lần đầu, do nhà xuất bản mai lĩnh xuất bản năm 1934 và lần thứ hai do nhà xuất bản văn học in năm 1988).
Truyện viết ngày 11/2/1931. Nhẩm tính: năm 2014 là Giáp Ngọ thì năm 1930 là Canh Ngọ, nhưng lần xem lại “Lịch thế kỷ 20” thì hóa ra ngày nhà văn viết thiên truyện nổi tiếng này là ngày 24 Tết Canh Ngọ! Có thể hình dung sau khi tiễn Ông Táo về Trời, nhà văn xúc động khi nhìn thấy những anh phu kéo xe, những chị em buôn thúng bán bưng tất tả chạy hàng Tết trên đường khuya hay mờ sớm mưa lạnh đã hình dung ra câu chuyện - một cuộc “kỳ ngộ” của hai cảnh đời bất hạnh: anh phu kéo xe (ngựa người) đêm ba mươi Tết chạy gắng kiếm thêm lon gạo cho vợ con, không ngờ lại rước phải “món hàng” là cô ả “ăn sương” (người ngựa) ế khách!
Anh phu xe từ đầu đã sớm dành được thiện cảm của người đọc bởi cảnh ngộ thật đáng thương: “Anh ấy vừa mới ốm dậy, một trận ốm tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả”. Vậy mà “từ chiều đến bây giờ, anh ấy mới được có hai hào chỉ!”. Còn cô ả “ăn sương” thì vốn quen ngụy trang bằng son phấn và tỏ tình giả dối, nên thoạt đầu ra dáng một bà quý phái, kênh kiệu mà keo kiệt; anh phu xe đòi một giờ 6 hào, chỉ trả 2 hào; sau khi lòng vòng hết phố này sang phố khác, mặc dù trong túi không một xu dính túi vẫn khéo lừa được anh phu xe: “Anh có hào lẻ không, cho tôi vay mấy hào, chốc nữa tôi giả cả đồng cho tiện”. Vớ được hai hào của anh phu xe, “bà khách vào hiệu, mua gói thuốc lá, bao diêm, còn tiền mua cả hạt dưa để cắn”. Xem cách cô ả định “trả tiền” cho anh phu xe về sau thì không hẳn cô đã có ý lừa gạt; cô hy vọng sẽ gặp “khách” rồi sẽ có tiền; còn anh phu xe, dù đã biết bà khách là gái giang hồ, vẫn hy vọng càng kéo nhiều giờ, càng thu được nhiều tiền và mơ tưởng: “Sáng mai, kéo chuyến khách qua ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga tô cho nó mừng. Vợ ta nghe thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cả nhà, tất là thương ta lắm”.Đêm ba mươi, có mấy ai xuất hành và có khách làng chơi nào lại đi tìm “món hàng” ấy vào lúc thiên hạ cúng ông bà tổ tiên. Vậy mà họ vẫn phải ra đường kiếm miếng ăn! Hai kẻ nghèo cùng đường gặp nhau như là sự tất nhiên chứ chẳng phải do nhà văn sắp đặt. Ông chỉ khéo đưa nhân vật dạo quanh khắp phố phường Hà Nội, để họ dần dần tự bộc lộ tính cách và hoàn cảnh của mình.
Cho đến quá giờ giao thừa và khi cô ả thú thực không có tiền trả, dọa đưa lên sở Cẩm cô cũng không sợ; cô ta xin được gán phu la, áo, đồng hồ thay nợ thì anh nổi cáu: “Tôi lấy để làm ma mẹ tôi à?”; đến thế thì cô đành xuất cái “vốn tự có” ra: “Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì, tôi xin chịu”! Anh phu xe thật thà không hiểu, buộc cô ả phải giải thích: “Nghĩa là chỉ có với tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì, tôi cũng bằng lòng”. Cô muốn tỏ ra mình không phải là người lừa lọc, ăn quỵt, nhưng anh phu xe lại chứng tỏ mình là người có nhân cách, cương quyết khước từ cách trả nợ của cô. (Thoạt đầu, anh bảo là “cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi”, nhưng khi cô khai rằng mới khám bệnh hôm qua, anh vẫn chỉ nhất mực “mời cô xuống xe cho tôi về, và xin cô tiền xe”!). Đến nước ấy thì cô chỉ có cách lừa anh, vào cửa trước một “nhà săm” hỏi vay tiền rồi chuồn ra cửa sau. Vậy là anh không chỉ phải kéo xe không công suốt đêm giao thừa mà còn mất cả hai hào kiếm được hồi chiều! Khi hiểu ra cơ sự này, “anh xe choáng người, như nghe tiếng sét đánh... nghiến răng, cau mặt lủi thủi ra hè...móc túi lấy bao diêm đốt vía...”. Và lúc ấy, “Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch...”.
Tác giả đã kết câu chuyện như thế, chẳng cần một “lời bình” nào mà vẫn làm người đọc xót xa thương cảm cho số phận lớp người nghèo cùng đường trong xã hội cũ.
Từ ngày ấy, 84 năm đã qua. Xã hội đổi thay và tất nhiên cảnh “ngựa người người ngựa” cũng đã khác trước. Lớp “ngựa người” nghèo nhất bây giờ cũng có chiếc xe đạp thồ, khá hơn thì xe hon-da ôm, giàu nữa thì lái tắc-xi. Lớp “người ngựa” thì lắm chiêu trò giả dối hơn, đó là chưa kể các “ả” có gan lột sạch tiền bạc, đồ trang sức của những anh chàng dại gái!
Cầu mong năm Giáp Ngọ này, chiến dịch “bài trừ tệ nạn xã hội” được triển khai liên tục và có kết quả, đồng thời nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, việc kinh doanh mở mang, tạo thêm nhiều việc làm cho nam nữ thanh niên, tạo nhiều cơ hội để những “người ngựa” được trở lại làm NGƯỜI!
(Bài Tất niên)
Nguyễn Khắc Phê
Nguồn: http://baothuathienhue.vn
Nguồn: http://baothuathienhue.vn
No comments:
Post a Comment